Viêm đường hô hấp trên là bệnh thường gặp ở trẻ, trong hầu hết các trường hợp bệnh sẽ khỏi trong 1 – 2 tuần. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc tích cực, trẻ viêm đường hô hấp trên có thể gặp một số biến chứng rất nguy hiểm. Vậy, nên chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp trên như thế nào để nguy cơ biến chứng được hạn chế tối đa? Đọc bài viết sau của Thu Cúc TCI để biết câu trả lời, bố mẹ nhé!
Menu xem nhanh:
1. Thông tin cơ bản
1.1. Khái niệm
Viêm đường hô hấp trên là tình trạng viêm một hoặc nhiều bộ phận cấu thành đường hô hấp – những bộ phận có nhiệm vụ lấy, làm ấm và lọc không khí trước khi chuyển không khí xuống phổi. Nhưng bộ phận này là: Mũi, hầu họng, xoang và thanh quản. Như vậy, viêm đường hô hấp trên không chỉ có một hình thái, viêm đường hô hấp trên có nhiều hình thái. Trong đó, 3 hình thái chính của bệnh lý này là: Viêm mũi, viêm hầu họng và viêm xoang.
1.2. Nguyên nhân
Viêm đường hô hấp trên nói chung, có nhiều nguyên nhân khởi phát, như: Virus, vi khuẩn (chủ yếu là Haemophilus influenzae type B, liên cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, tụ cầu, vi khuẩn Bordetella,…), nấm, khí độc, bụi,…. Còn viêm đường hô hấp trên ở trẻ em nói riêng thì chủ yếu phát sinh do: Virus (virus cúm, virus sởi, virus hợp bào hô hấp,…) và một số loại nấm.
Nhìn chung, viêm đường hô hấp trên có thể xuất hiện ở bất cứ trẻ nào. Tuy nhiên, bệnh lý này có một số yếu tố nguy cơ nhất định. Nếu trẻ có một trong các yếu tố sau, trẻ có nguy cơ mắc viêm đường hô hấp trên cao hơn so với bình thường: Bệnh lý tự miễn như Lupus ban đỏ; miễn dịch kém hoặc suy giảm miễn dịch; đã cắt Amidan và/hoặc nạo VA; đã ghép tạng; đang sử dụng một số loại thuốc, như Corticosteroid dài hạn,…
1.3. Triệu chứng
Bên cạnh vị trí viêm nhiễm, chúng ta còn có thể phân loại viêm đường hô hấp trên theo tiêu chí khả năng tồn tại của bệnh. Theo đó, bệnh lý này có 2 dạng là: Cấp tính và mãn tính.
Dạng cấp tính, thường chỉ kéo dài 7 – 10 ngày, có thể nhận biết bằng các dấu hiệu: Sốt nhẹ, đôi khi sốt cao kèm rét run; ho húng hắng hoặc liên tục; hắt hơi; chảy mũi;….. Còn dạng mãn tính, kết quả của dạng cấp tính không được điều trị hoặc được điều trị không tích cực, thường dai dẳng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng thì có thể nhận biết bằng các dấu hiệu: Ho húng hắng; đau họng; nuốt vướng; chảy mũi thường xuyên; ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ;…
1.4. Biến chứng
Như đã chia sẻ phía trên, mặc dù là bệnh lý lành tính, viêm đường hô hấp trên ở trẻ em vẫn có thể biến chứng, nếu bố mẹ chủ quan, điều trị bệnh tại nhà cho trẻ mà không có chỉ định của chuyên gia. Cụ thể, trong trường hợp đó, trẻ có khả năng sẽ bị:
– Biến chứng viêm mũi: Rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ do nhiễu loạn sóng điện não,…
– Biến chứng viêm họng: Áp xe họng; viêm hạch bạch huyết; nhiễm khuẩn huyết; các bệnh lý viêm đường hô hấp dưới; viêm màng não; viêm cơ tim; viêm thận; viêm cầu thận;…
– Biến chứng viêm xoang: Suy giảm thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn một hoặc toàn phần; nhiễm trùng ổ mắt; viêm não;…
2. Lưu ý quan trọng trong chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp trên
Khi trẻ có các dấu hiệu đã được liệt kê tại mục 1.3, bố mẹ phải cho trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất để thăm khám ngay. Sau thăm khám, tùy thuộc tình trạng viêm đường hô hấp trên, chuyên gia sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ. Thông thường, chỉ một số ít trẻ phải nhập viện điều trị, hầu hết trẻ có thể điều trị tại nhà, dưới sự chăm sóc của bố mẹ, bằng các thuốc: Kháng sinh (trường hợp viêm đường hô hấp trên ở trẻ do vi khuẩn gây ra), hạ sốt, giảm đau,…
Ngoài sử dụng thuốc theo hướng dẫn của chuyên gia, trong quá trình chăm sóc trẻ tại nhà, bố mẹ nên thực hiện một số lưu ý sau để viêm đường hô hấp trên ở trẻ được hỗ trợ điều trị tốt hơn:
– Nên cho trẻ ăn uống bình thường khi bệnh, tránh kiêng cữ quá mức, cần cho ăn thêm bữa khi trẻ lành bệnh để bổ sung lượng dinh dưỡng thiếu hụt trong thời gian nhiễm bệnh.
– Bên cạnh dùng thuốc giảm sốt thông thường như Acemol, Ibuprofene… thì lau mát cho trẻ được xem là một biện pháp hữu hiệu giúp hạ nhiệt cho bé. Thay vì dùng nước lạnh, bạn hãy dùng khăn ấm để lau người cho bé, nên tập trung lau mát ở trán, hõm nách, khuỷu tay, bẹn của trẻ.
– Sử dụng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) nhỏ mũi và làm thông mũi cho bé trước khi cho ăn, cho bú.
– Nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc ngày càng xấu đi, trẻ cần phải được theo dõi kỹ lưỡng và điều trị tích cực hơn. Hãy đưa bé đến bệnh viện ngay khi bé có một trong các dấu hiệu như mệt hơn, thở nhanh hơn, khó thở hơn, bú kém hoặc không uống được.
3. Các biện pháp phòng ngừa và tránh lây lan
Để phòng ngừa viêm đường hô hấp trên, đảm bảo cho bé thể trạng và sức đề kháng tốt là vô cùng cần thiết. Để làm được điều đó:
– Khi mang thai, mẹ cần có một chế độ ăn hợp lý, đảm bảo giàu dinh dưỡng, khám thai định kỳ.
– Nên cho trẻ bú mẹ sớm ngay từ những giờ đầu sau sinh, duy trì sữa mẹ đến khi bé được 2 tuổi, cho trẻ ăn dặm đúng cách và đúng thời điểm.
– Ngoài chương trình tiêm chủng quốc gia, có thể nhờ bác sĩ tư vấn để chích ngừa thêm cho bé một số loại vaccin cần thiết khác.
– Phòng tránh lây lan: Khi có dịch bệnh bạn nên tránh đưa gia đình đến những chỗ đông người, thường xuyên rửa tay và giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ.
– Đeo khẩu trang khi tiếp xúc và rửa tay sau khi tiếp xúc với người bệnh. Bạn nên cố gắng cách ly trẻ bệnh với trẻ lành và những thành viên khác trong gia đình ít nhất 7 ngày để tránh lây lan.
Phía trên là cách chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp trên hiệu quả. Nếu còn băn khoăn cần giải đáp, liên hệ Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!