Cảnh giác trước biến chứng trào ngược dạ dày

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là bệnh lý gây ra do dịch vị dạ dày trào ngược lên thực quản, làm xuất hiện các triệu chứng như ơ hơi, ợ chua, ợ nóng, buồn nôn,… Phần lớn mọi người do chủ quan và lầm tưởng đây là những hiện tượng sinh lý bình thường nên tỷ lệ mắc bệnh ngày càng có xu hướng tăng cao, thậm chí dẫn đến các biến chứng trào ngược dạ dày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đời sống.

1. Trào ngược dạ dày nguy hiểm như thế nào?

Trào ngược dạ dày là hiện tượng sinh lý bình thường cho đến khi dịch vị dạ dày (gồm axit, enzyme, thức ăn,…) trào ngược quá mức lên thực quản. Quá trình này diễn ra trong một khoảng thời gian dài sẽ gây ra bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

1.1 Trào ngược dạ dày gây biến chứng loét thực quản 

Axit từ dạ dày trào ngược thường xuyên lên thực quản khiến niêm mạc thực quản bị ăn mòn tạo thành các ổ viêm loét. Tùy theo mức độ nông, sâu các vết loét có thể gây chảy máu, khiến người bệnh thường xuyên đau vùng dưới xương ức, khó nuốt và nuốt nghẹn. Đây cũng là biến chứng thường gặp nhất của trào ngược dạ dày. Người bệnh khi được phát hiện ở giai đoạn này vẫn có thể cải thiện tình trạng nếu được điều trị tích cực.

1.2 Hẹp thực quản 

Hẹp thực quản là một trong những biến chứng trào ngược dạ dày. Biến chứng này xảy ra khi các vết loét lâu ngày tại thực quản phát triển thành các mô sẹo. Càng nhiều mô sẹo được hình thành thì lòng thực quản càng hẹp. Điều này gây khó khăn cho quá trình vận chuyển thức ăn và là nguyên nhân của các cơn đau vùng ngực và cảm giác vướng nghẹn ở cổ của bệnh nhân. 

1.3 Barrett thực quản hay tiền ung thư thực quản

Được ghi nhận ở 8-15% các bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản. Biến chứng này là kết quả của sự tổn thương liên lục đến lớp lót thực quản khiến chúng biến đổi thành phần, màu sắc. Các tế bào đã bị biến đổi này cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản ở người bệnh dù tỷ lệ tương đối nhỏ. Người mắc barrett thực quản có thể bị ợ nóng thường xuyên, nuốt khó, đau ngực… Tuy nhiên cũng có những trường hợp không biểu hiện triệu chứng, chỉ được phát hiện thông qua nội soi – sinh thiết.

Trào ngược dạ dày lâu ngày biến chứng thành barret thực quản

Trào ngược dạ dày lâu ngày biến chứng thành barret thực quản

1.4 Ung thư thực quản – biến chứng trào ngược dạ dày nguy hiểm

Đối với biến chứng trào ngược dạ dày này, người bệnh mắc trào ngược dạ dày thậm chí đối mặt với nguy cơ tử vong. Giai đoạn khi khối u phát triển, người bệnh có thể cảm thấy nuốt đau, khàn tiếng, ho liên tục, đau ngực, sút cân nghiêm trọng. 

1.5. Biến chứng đường hô hấp

Do cấu vị trí thực quản gần với thanh quản, khí quản, người bệnh mắc trào ngược lâu ngày có thể xuất hiện các triệu chứng viêm họng, ho mãn tính, viêm họng, viêm thanh quản, thậm chí gây chứng bào mòn răng…

2. Nhận biết sớm 5 triệu chứng trào ngược dạ dày

2.1 Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua – dấu hiệu đặc trưng của chứng trào ngược

Thức ăn ứ đọng tại dạ dày sinh khí gây đầy hơi được giải phóng qua phản xạ ợ. Ợ nóng thường đi kèm ợ chua, xảy ra khi axit dịch vị bị trào ngược lên vùng hầu họng. Tần suất ợ càng nhiều, bệnh trào ngược càng có nguy cơ tiến triển nặng. Người bệnh dễ gặp tình trạng ợ hơi, ợ nóng, ợ chua sau bữa ăn, khi bị đầy bụng khó tiêu, cúi người hay vào ban đêm khi đi ngủ. 

2.2 Đau bụng vùng thượng vị (từ rốn đến dưới xương ức)

Người bệnh dễ nhầm lẫn các cơn đau vùng thượng vị với các cơn đau ngực do các bệnh lý hô hấp, tim mạch. Điều này được lý giải do axit trào ngược kích thích các đầu mút sợ thần kinh tại thực quản gây cảm giác đau ép lan lên vùng ngực, lưng, thậm chí cánh tay. Bạn nên chú ý để không bỏ sót các triệu chứng bệnh. 

2.3 Đắng và hôi miệng   

Túi mật tiết dịch mật vào dạ dày để tiêu hóa thức ăn. Khi người bệnh bị trào ngược, dịch mật đã hòa tan với dịch dạ dày được đẩy lên thực quản, thậm chí lên miệng gây cảm giác đắng miệng. 

Mặt khác, khi axit trào ngược lên thực quản cũng bào mòn lớp niêm mạc miệng và họng của người bệnh. Đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh mùi phát triển và sinh sôi. Do đó, người bệnh trào ngược dạ dày thực quản dễ bị hôi miệng.

Người mắc trào ngược dạ dày thường bị hôi miệng

Người mắc trào ngược dạ dày thường bị hôi miệng

2.4 Khó nuốt

Trào ngược dạ dày thực quản trong thời gian dài có thể gây phù nề, sưng tấy vùng niêm mạc thực quản dẫn đến hẹp thực quản, gây nuốt vướng, nuốt nghẹn.

2.5 Khàn giọng và ho 

Xảy ra khi axit dịch vị từ dạ dày trào ngược đến ngã ba hầu họng. Lúc này axit có thể tiếp xúc với dây thanh quản gây phù nề, sưng viêm. Người bệnh có dây thanh quản bị tổn thương dễ gặp phải tình trạng bị khàn tiếng, họ nhiều và liên tục.

3. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản

3.1. Xây dựng chế độ ăn uống và thói quen sống lành mạnh

Nhằm cải thiện tình trạng bệnh và ngăn ngừa biến chứng trào ngược dạ dày, người bệnh cần chú ý các yếu tố bao gồm: 

Duy trì cân nặng thích hợp, hạn chế tình trạng béo phì

Sử dụng các loại thực phẩm thân thiện với dạ dày, dễ tiêu hoá như bánh mỳ, ngũ cốc, rau họ cải, sữa chua…

Hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống có tính kích thích với dạ dày như bia rượu, cà phê, nước có gas…

Tập chia nhỏ các bữa ăn, không ăn quá no và không nằm ngay sau khi ăn.

Không hút thuốc lá

Hình thành thói quen tập thể dục nhẹ nhàng ít nhất 30 phút mỗi ngày

Người bệnh cũng có thể áp dụng các mẹo như kê gối cao khi ngủ 

Sử dụng quần áo thoải mái, tránh quần áo quá chật. 

3.2. Điều trị nội khoa 

Sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI): làm giảm các triệu chứng do tăng tiết axit dịch vị.

Thuốc trung hòa axit: làm giảm hoạt động hoặc hấp thụ pepsin tại dạ dày – nguyên nhân khiến PH dạ dày tăng cao.

Alginate: giúp ngăn trào ngược và hình thành màng chắn vật lý, bảo vệ niêm mạc thực quản khỏi axit dạ dày. 

Thuốc kháng thụ thể Histamin H2: khi liên kết với các thụ thể histamin trong dạ dày có thể làm giảm lượng axit mà niêm mạc tiết ra.

Thuốc hỗ trợ chức năng vận động thực quản (Prokinetics): sử dụng nhằm đào thải axit tại thực quản, đồng thời tăng cường làm rỗng dạ dày và tăng nhu động cơ thực quản.

3.3. Điều trị ngoại khoa

Áp dụng khi điều trị bằng thuốc thất bại hoặc dựa trên mong muốn của bệnh nhân không muốn dùng thuốc trong thời gian dài. Các phương pháp điều trị ngoại khoa bệnh trào ngược phổ biến hiện nay có thể kể đến như:

Phương pháp tạo nếp đáy vị (Nissen,Toupet)

Can thiệp qua nội soi (khâu, tiêm làm tăng khối cơ).

Dùng thiết bị từ tính (Linx) để tăng cường cơ vòng thực quản.

Mô phỏng thực quản sau phương pháp phẫu thuật Nissen

Mô phỏng thực quản sau phương pháp phẫu thuật Nissen

Hậu quả của bệnh trào ngược dạ dày thực quản sẽ có thể hết sức nặng nề nếu bệnh nhân không được can thiệp kịp thời và đúng cách. Do đó, ngay khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bệnh liên quan, bạn cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị và dự phòng các biến chứng trào ngược dạ dày.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital