Cảnh báo bệnh tai biến gia tăng vào mùa lạnh

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Bệnh tai biến có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng tăng đến 30% vào mùa lạnh. Cùng tìm hiểu nguyên nhân khiến tai biến gia tăng vào mùa lạnh và những biện pháp phòng tránh qua bài viết sau đây. 

1. Tai biến mạch máu não có xu hướng gia tăng khi trời lạnh 

1.1 Bệnh tai biến là gì?

Bệnh tai biến hay tai biến mạch máu não, đột qụy não, là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, đặc trưng bởi sự rối loạn chức năng khu trú của não do não không được cung cấp đủ máu nuôi dưỡng. Sự tổn thương và hoại tử của các tế bào nào khiến các vùng não suy giảm và mất chức năng, kéo theo sự rối loạn của các cơ quan mà vùng não bị tổn thương điều khiển.

Các chuyên gia Nội thần kinh cho biết chỉ sau vài giây mạch máu bị tắc nghẽn khiến não không được tưới máu đầy đủ, các tế bào thần kinh sẽ bắt đầu tê liệt. Cứ mỗi 2 phút, sẽ có khoảng 2 triệu tế bào chết đi. Sau 3 giờ nếu không được cấp cứu kịp thời, tính mạng bệnh nhân có thể bị đe dọa.

1.2 Nguy cơ mắc bệnh tai biến vào mùa lạnh

Tai biến mạch máu não có thể xảy ra với bất cứ ai và bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên các nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh tai biến dễ xảy ra hơn vào mùa lạnh. 

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học châu Âu cho thấy nguy cơ đột quỵ vào mùa lạnh cao hơn 30% so với các thời điểm khác. Nhiệt độ ngoài trời cứ giảm khoảng 2,9 độ C trong khoảng thời gian 24h thì nguy cơ đột quỵ lại tăng cao.

Theo Hội Tim mạch Việt Nam, hàng năm số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh trung bình tăng từ 15% đến 30%. Đặc biệt, số ca bệnh tăng cao bất thường mỗi khi thời tiết lạnh sâu hay rét đậm, rét hại. Thậm chí, những người có tiền sử bị đột quỵ cũng có nguy cơ tái phát cao hơn khi nhiệt độ xuống thấp.

Nguy cơ mắc bệnh tai biến vào mùa lạnh

Nguy cơ tai biến mạch máu não tăng 30% vào mùa lạnh.

2. Nguyên nhân khiến bệnh tai biến gia tăng vào mùa lạnh 

Theo các nghiên cứu, có đến 80 – 85% ca tai biến xảy ra do tắc nghẽn mạch máu mà nguyên nhân sâu xa là sự hình thành, phát triển của các mảng xơ vữa và sự xuất hiện của cục máu đông. 

Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi bạn đi từ trong nhà hoặc trong chăn ấm ra ngoài lạnh hay có những yếu tố tác động khác có thể khiến các mạch máu co lại, khiến huyết áp tăng, làm tăng nguy cơ đông máu và tắc nghẽn động mạch. Bởi vậy những người bị lạnh đột ngột hoặc lạnh trong thời gian dài dễ bị đột quỵ hơn người bình thường. 

Bên cạnh đó, nhiệt độ xuống thấp cũng là tác nhân làm tăng số lượng tiểu cầu, hồng cầu và độ nhớt của máu. Điều này khiến lượng enzyme tiêu hủy sợi huyết giảm, máu dễ bị vón cục, cùng với đó là tình trạng lòng mạch bị thu hẹp dẫn đến lưu lượng máu qua não giảm, khiến tai biến có cơ hội “tìm đến”. 

Khi trời lạnh, cơ thể tăng tiết các catecholamine. Đây là chất trung gian cho nhiều hoạt động sinh lý và chuyển hóa trong cơ thể. Khi nồng độ chất này tăng lên, tình trạng co mạch ngoại biên, giãn mạch thụ động ở mạch não, mạch phổi cũng gia tăng và dẫn đến biến chứng đứt mạch não.

3. Phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não vào mùa lạnh bằng cách nào?

Hiểu rõ được những ảnh hưởng của thời tiết lạnh đến hệ thần kinh nói riêng và cơ thể nói chung, bạn hãy chủ động phòng ngừa tai biến bằng các biện pháp sau:

3.1 Giữ ấm 

Khi trời lạnh nên giữ nhiệt độ trong nhà thấp nhất là từ 16 đến 18 độ C, có thể sử dụng máy sưởi để tăng nhiệt độ trong phòng. 

Ngoài ra, thường xuyên uống nước nóng trước khi ngủ và dùng các thực phẩm, đồ uống nóng có thể giúp tăng năng lượng, giữ ấm cho cơ thể. 

Nên mặc nhiều áo mỏng giúp tăng khả năng giữ ấm cho cơ thể hơn là mặc một chiếc áo dày. Bạn có thể đội mũ len, quàng khăn để giữ ấm cho đầu và cổ vì đây là hai vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất khi nhiệt độ thay đổi.

Cách phòng ngừa tai biến vào mùa lạnh

Giữ ấm cơ thể là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp phòng ngừa tai biến, đặc biệt là vào mùa lạnh.

3.2 Kiểm soát bệnh lý

Nếu đang mắc các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch cần điều trị tích cực và kiểm soát phù hợp để, như vậy có thể giúp ngăn đột quỵ trong mùa lạnh. Cụ thể: 

– Để kiểm soát huyết áp, cần phải uống thuốc điều trị liên tục, đồng thời thực hiện chế độ ăn ít muối, giảm cân, giảm căng thẳng

– Kiểm soát đường huyết bằng việc ăn uống điều độ và theo dõi đường huyết thường xuyên. 

– Kiểm soát cholesterol trong máu bằng chế độ ăn ít mỡ, thay vào đó hãy sử dụng các loại dầu ăn và thức ăn ít cholesterol. 

– Những người bị bệnh tim cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định, đồng thời phòng ngừa và điều trị triệt để bệnh cúm. 

3.3 Điều chỉnh lối sống

Cụ thể là giảm uống rượu bia đến mức tối đa, bỏ hút thuốc lá và tránh hút thuốc lá thụ động. Ngoài ra, nên tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày để cải thiện tình trạng tim mạch và cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, béo phì, tăng huyết áp… Bên cạnh đó nên tránh căng thẳng, duy trì chế độ ăn lành mạnh, ăn nhạt nhạt để kiểm soát tình trạng tim mạch và huyết áp, góp phần làm giảm nguy cơ đột quỵ. Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi hàng ngày, hạn chế sử dụng mỡ động vật để chế biến thức ăn.

Ngăn tai biến mạch máu não như thế nào?

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả bao gồm: giảm lượng chất béo, đường, muối trong khẩu phần ăn, tăng cường rau xanh, chất xơ, bổ sung các thực phẩm tốt cho não.

Như vậy, bệnh tai biến thực sự có liên quan đến thời tiết lạnh. Để hạn chế nguy cơ này, người bệnh cần tuân thủ điều trị các bệnh lý mắc phải và duy trì lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó, không quên thăm khám với chuyên gia thần kinh để kiểm soát các yếu tố nguy cơ, tăng khả năng phòng tránh bệnh. Khi thấy các biểu hiện nghi ngờ như liệt méo mặt, khó cử động, khó nói,… cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay vì rất có thể tai biến đã xảy ra, `

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital