Cách trị đau dạ dày đúng cách tránh tái phát lâu năm

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ

Thẩm Hoàng Hải

Trưởng đơn nguyên Nội soi tiêu hóa

Đau dạ dày là một khái niệm chung nói về bất thường ở đường tiêu hóa. Hiểu đúng về cách trị đau dạ dày theo đúng các yêu cầu được đề cập dưới đây để chữa bệnh hiệu quả, tránh tái đi tái lại dai dẳng theo nhiều năm.

1. Nhận biết đúng cơn đau dạ dày gặp phải

Vị trí đau: Vị trí đau dạ dày được xuất phát từ vùng thượng vị. Cơn đau có thể từ bụng lên tới ngực hoặc lan ra cả sau lưng;

Thời điểm đau: Đau có thể gặp khi bụng quá đói hoặc về ban đêm, cũng có thể đau sau khi vừa ăn xong làm người bệnh cảm giác tức nặng bụng, bụng ấm ách không ăn được nhiều.

Mức độ đau: Tùy theo mức độ tổn thương mà cơn đau có thể kéo dài âm í hoặc đau đột ngột quặn thắt từng cơn. Cụ thể:

– Đau bụng âm ỉ diễn ra liên tục, mức độ đau có thể tăng và giảm nhưng không có giai đoạn yên lặng mà cứ đau dai dẳng không thôi. Bệnh nhân sẽ có cảm giác nhức nhối, khó chịu, bỏng rát.

– Cơn đau quặn thắt đột ngột xuất hiện và thường lặp lại theo chu kỳ. Cơn đau tăng nhanh cường độ cho đến đỉnh điểm rồi sau đó giảm dần xuống. Giữa mỗi chu kỳ đau đều có khoảng yên lặng. Đau dạ dày cứ vậy lặp lại nhiều lần với tần suất, thời gian và cường độ đau thay đổi đáng kể giữa các lần đau.

Đặc điểm cơn đau dạ dày

Cơn đau dạ dày gặp phải thường xuất phát từ vùng thượng vị với mức độ đau khác nhau.

2. Thăm khám ngay chuyên khoa tiêu hóa khi cần

Nếu cơn đau dạ dày của bạn không quá khó chịu hoặc chỉ đau tạm thời, có thể khỏi ngay khi điều chỉnh thói quen sinh hoạt thì có thể chưa cần thăm khám ngay. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh nhân gặp phải cơn đau dạ dày kéo dài không thuyên giảm hoặc tái diễn nhiều lần kèm theo các triệu chứng dưới đây thì cần thăm khám ngay tại chuyên khoa tiêu hóa để được xử trí kịp thời:

– Đau bụng dữ dội nhưng không rõ nguyên nhân, cơn đau không thuyên giảm kể cả khi bạn đã dùng thuốc giảm đau

– Sốt

– Bụng chướng, đau hơn mỗi khi chạm vào bụng

– Vàng mắt, vàng da.

– Buồn nôn, nôn, đặc biệt cần lưu ý trường hợp nôn có máu

– Đi ngoài ra máu

Chẩn đoán đúng về căn nguyên bệnh

Tìm hiểu đúng nguyên nhân dẫn đến đau dạ dày là yêu cầu quan trọng để phục vụ điều trị bệnh đúng căn nguyên. Từ đó mới có thể dứt điểm được bệnh.

Thăm khám chuyên khoa tiêu hóa

Người bệnh nên chủ động thăm khám chuyên khoa tiêu hóa khi cần để được chẩn đoán đúng bệnh.

3. Về nguyên nhân đau dạ dày đến từ 2 nhóm chính:

– Đau dạ dày do bệnh lý: có thể là bệnh đường tiêu hóa (viêm dạ dày, loét dạ dày hành tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, viêm hành tá tràng, vi khuẩn HP dương tính, hội chứng ruột kích thích – IBS, bệnh Crohn, ung thư dạ dày,…) hoặc bệnh ngoài đường tiêu hóa (sỏi mật, sỏi thận, đau ruột thừa,…)

– Đau dạ dày do ăn uống không thực hiện khoa học.

– Đau dạ dày do chịu căng thẳng và mệt mỏi quá độ.

– Đau dạ dày do lạm dụng uống nhiều loại thuốc kháng sinh.

Để xác định rõ nguyên nhân gây đau dạ dày, bác sĩ sẽ dựa theo kết quả khám lâm sàng và chỉ định phương pháp cận lâm sàng phù hợp. Thông thường, đối với các bệnh lý đường tiêu hóa nói chung, phương pháp được thực hiện sẽ là nội soi dạ dày kết hợp sinh thiết test vi khuẩn HP qua nội soi. Ống nội soi mềm thăm dò mọi ngóc ngách ống tiêu hóa, quan sát và phát hiện mọi tổn thương, bệnh lý nếu có kể cả tổ chức nghi ngờ ung thư sớm.

4. Cách trị đau dạ dày đúng phác đồ

Nguyên tắc chữa bệnh dạ dày cần đảm bảo các yêu cầu như sau: Đi đúng từ căn nguyên bệnh (xác định rõ nguyên nhân đau dạ dày); Tuân thủ đúng chỉ định điều trị bằng thuốc; Kết hợp cùng chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt hằng ngày khoa học.

4.1. Cách trị đau dạ dày bằng thuốc

Việc điều trị bằng thuốc được bác sĩ chỉ định khi đã xác định rõ nguyên nhân gây bệnh. Người bệnh cần tuân thủ đúng về đơn thuốc, hướng dẫn sử dụng cũng như những yêu cầu liên quan được chỉ định. Thông thường, nhóm thuốc chữa bệnh dạ dày được áp dụng bao gồm:

– Thuốc kháng acid giúp trung hòa lượng acid trong dịch vị dạ dày tá tràng.

– Thuốc giảm tiết acid.

– Thuốc ức chế bơm proton có mục đích ngăn chặn bài tiết dịch HCl ở dạ dày.

– Thuốc có tác dụng tạo màng bọc quanh ổ viêm loét để bảo vệ tốt hơn niêm mạc dạ dày.

– Thuốc kháng sinh nhằm tiêu diệt loại bỏ vi khuẩn HP.

Lưu ý quan trọng cho người bệnh, đặc biệt là những trường hợp đau dạ dày có liên quan đến vi khuẩn HP cần tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ. Không tự ý thay đổi chỉ định vì điều này có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc, nhờn thuốc và bệnh không được điều trị tốt sẽ có xu hướng tái đi tái lại nhiều lần.

Cách trị đau dạ dày bằng thuốc

Người bệnh đau dạ dày cần tuân thủ đúng chỉ định dùng thuốc từ bác sĩ điều trị.

4.2. Cách trị đau dạ dày bằng chế độ ăn và thói quen sinh hoạt hợp lý

Bên cạnh việc dùng thuốc đúng chỉ định, yêu cầu về chế độ ăn và thói quen sinh hoạt cũng cần được thực hiện nghiêm túc giúp quá trình điều trị của người bệnh đạt hiệu quả nhanh chóng.

– Uống đủ nước mỗi ngày.

– Nên ăn theo nhiều bữa nhỏ trong một ngày và không ăn quá no hoặc để bụng bị quá đói kéo dài.

– Nhai kỹ thức ăn.

– Ăn đủ chất, cần trú trọng bổ sung đủ nhóm chất xơ và vitamin từ rau củ quả tươi.

– Tránh ăn đồ ăn khó tiêu hóa đặc biệt là đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn có chứa nhiều chất bảo quản.

– Hạn chế đồ ăn, đồ uống cho vị chua, cay. Thay vào đó nên sử dụng những sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa tốt như nghệ, gừng, mật ong, nha đam,…

– Bỏ thói hút thuốc và uống nhiều bia rượu.

– Tập thể dục mỗi ngày, vận động tích cực sẽ rất tốt cho sức khỏe chung và sức khỏe đường tiêu hóa.

– Kiểm soát căng thẳng, giữ tinh thần ổn định và không thức khuya.

Bệnh dạ dày tuy đơn giản nhưng lại dễ tái phát nếu điều trị sai cách. Vì vậy thực hiện tốt cách trị đau dạ dày giúp người bệnh nhanh chóng xóa bỏ nỗi lo âu dai dẳng này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital