Cách điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em và người lớn

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Điều trị thoát vị bẹn như thế nào là thông tin được đông đảo người bệnh quan tâm tìm hiểu. Bệnh lý này có thể gặp ở cả trẻ em và người trưởng thành, chủ yếu là nam giới. Phẫu thuật là cách duy nhất để đẩy các tạng đang thoát vị trở lại đúng vị trí ban đầu. Hiện tại có 2 phương pháp phẫu thuật chính là: mổ nội soi và mổ mở. Tùy theo tình trạng cụ thể của người bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Nên nhớ thoát vị bẹn không thể tự khỏi, do đó khi phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh cần điều trị ngay, tránh để dẫn tới các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

1. Bệnh lý thoát vị bẹn

Thoát vị là tình trạng xuất hiện những túi phình của nội tạng hoặc mô dịch chuyển khỏi vị trí của chúng, xuyên qua các điểm yếu tự nhiên của thành bụng tạo thành những ổ thoát vị.

Thoát vị bẹn là bệnh lý xảy ra khi các tạng ở trong ổ bụng như ruột, mạc nối, buồng trứng,…chui qua thành sau của ống bẹn tới thành trước của ống bẹn làm xuất hiện một khối phồng ở vùng bẹn.

Thoát vị bẹn chiếm phần lớn trong tổng số các ca bệnh thoát vị và chủ yếu gặp ở nam giới (khoảng 92%). Bệnh có thể do bẩm sinh (thoát vị gián tiếp) hoặc do sự thoái hóa collagen làm cho thành sau của ống bẹn bị suy yếu (thoát vị gián tiếp). Thoát vị bẹn là bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị và xử lý có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tìm hiểu các cách điều trị thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn xảy ra khi các tạng trong ổ phúc mạc rời khỏi vị trí, xuyên qua khu vực yếu tự nhiên của thành bụng xuống bẹn

2. Những nguyên nhân gây bệnh thoát vị bẹn

– Nguyên nhân bẩm sinh: do tồn tại ống phúc tinh mạc tạo nên đường đi cùng một túi có sẵn khiến cho thoát vị có cơ hội xảy ra.

– Nguyên nhân mắc phải: sự suy yếu của lớp mạc ngang và cơ ngang bụng khiến thành bụng yếu, có thể xảy ra do lão hóa,  căng quá mức cơ bụng, suy dinh dưỡng hoặc do thương tích vùng bẹn.

– Yếu tố thuận lợi: ho kéo dài trong viêm phế quản mạn tính, táo bón kinh niên, u đại tràng hay có khối u trong bụng, tiểu khó do hẹp niệu đạo hay do u xơ tiền liệt tuyến, phụ nữ có thai, thừa cân hoặc béo phì, bê vác nặng hoặc vận động mạnh….

3. Chẩn đoán và điều trị bệnh lý thoát vị bẹn

3.1. Chẩn đoán

Bác sĩ tiến hành xét nghiệm  lâm sàng và cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.

– Chẩn đoán lâm sàng: yêu cầu người bệnh đứng thẳng hoặc ho để kiểm tra khối thoát vị.

– Chẩn đoán cận lâm sàng: người bệnh tiến hành siêu âm ổ bụng, chụp Ct hoặc MRI.

3.2. Điều trị thoát vị bẹn

Thoát vị bẹn không thể tự khỏi, càng kéo dài bệnh càng trở nên nghiêm trọng. Phẫu thuật là phương pháp điều trị thoát vị bẹn dứt điểm, giúp đẩy các tạng đang thoát vị trở lại đúng vị trí ban đầu. Tùy vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định nên hoặc không nên thực hiện phương pháp này, và nếu có thì khi nào cần tiến hành. Cụ thể:

Với trẻ em:

Phẫu thuật thoát vị bẹn được áp dụng khi đến năm 1 tuổi mà trẻ không tự khỏi hoặc bệnh chưa xuất hiện biến chứng. Với trẻ sơ sinh hoặc trẻ dưới 1 tuổi, khi túi thoát bị bị đau và không thể di chuyển ngược trở lại vị trí ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định mổ càng sớm càng tốt để tránh biến chứng nguy hiểm về sau.

Điều trị thoát vị bẹn ở trẻ em không áp dụng phương thức dùng băng treo bìu. Bởi nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành và chức năng về sau của tinh hoàn. Trong trường hợp chưa thể can thiệp phẫu thuật thì người bệnh sẽ được theo dõi thường xuyên.

Với người lớn:

– Nếu người bệnh là người già yếu hoặc có bệnh lý nội khoa nặng sẽ không có chỉ định phẫu thuật, thay vào đó sẽ là sẽ áp dụng điều trị bằng băng treo bìu.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị thoát vị bẹn dứt điểm

Phẫu thuật là phương pháp điều trị thoát vị bẹn dứt điểm

– Nếu thoát vị bẹn không nghẹt, người bệnh sẽ được sắp xếp lịch phẫu thuật sau khi làm các xét nghiệm cần thiết. Trường hợp đã xảy ra biến chứng thì người bệnh sẽ được mổ cấp cứu ngay để tránh nguy cơ hoại tử tạng thoát vị.

3.3. Các phương pháp phẫu điều trị thoát vị bẹn

Hiện nay thoát vị bẹn có 2 hình thức phẫu thuật là mổ mở và mổ nội soi:

Phẫu thuật mổ mở:

Bác sĩ tạo một vết mổ kích thước khoảng 20mm, đẩy các tạng ở bên trong túi thoát vị trở lại đúng vị trí ban đầu. Tiến hành thắt lại ống phúc tinh mạch hoặc dùng một tấm lưới sinh học tạo hình lại chỗ yếu của thành bẹn. Cuối cùng sử dụng các mũi khâu để đóng thành bụng.

Mổ mở với vết rạch lớn nên người bệnh phải chịu đau nhiều, mất nhiều máu, dễ xảy ra các biến chứng sau phẫu thuật và mất nhiều thời gian hồi phục sức khỏe. Bên cạnh đó, mổ mở không thể quan sát được bên bẹn đối diện nên rất có thể sẽ bỏ sót tình trạng thoát vị ở bên bẹn còn lại.

Phẫu thuật nội soi:

Bác sĩ tạo 3 vết rạch rất nhỏ từ 3-5mm trên thành bụng người bệnh. Sử dụng dụng cụ mổ nội soi với một đầu gắn camera và một đầu gắn các dụng cụ phẫu thuật để kiểm tra khu vực thoát vị và sắp xếp các tạng về lại đúng vị trí. Tiến hành thắt lại ống phúc tinh mạch hoặc dùng một tấm lưới sinh học tạo hình lại chỗ yếu của thành bẹn rồi khâu lại vết mổ.

Mổ nội soi là phương pháp điều trị thoát vị bẹn tiên tiến nhất hiện nay. Phương pháp này cho phép đánh giá rõ tình trạng bẹn bên đối diện và xử lý luôn nếu có xảy ra. Đồng thời, mổ nội soi với vết rạch rất nhỏ, người bệnh sẽ ít đau, ít chảy máu, hạn chế tối đa biến chứng. Người bệnh xuất viện sau 2-3 ngày và có thể trở lại hoạt động nhẹ nhàng sau 1 – 2 tuần.

4. Lưu ý sau điều trị thoát vị bẹn để ngăn tái phát

Xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh và khoa học là việc làm cần thiết để ngăn ngừa bệnh thoát vị bẹn tiến triển hoặc tái phát. Do đó, sau điều trị người bệnh cần:

– Tuân thủ theo mọi hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

– Vận động nhẹ nhàng, vừa phải; không hoạt động mạnh hoặc mang vác vật nặng.

– Hạn chế táo bón, tránh việc rặn mạnh khi đi vệ sinh nhằm hạn chế gây áp lực lên ổ bụng để tránh bục vết mổ, gây tái thoát vị.

– Thăm khám định kỳ để theo dõi diễn tiến của bệnh và nắm bắt thực trạng sức khỏe để có hướng điều trị phù hợp khi cần thiết.

– Liên hệ ngay với bác sĩ điều trị khi phát hiện vấn đề bất thường như đau kéo dài, chảy máu kéo dài, nhiễm trùng vết mổ….

– Tái khám ngay với bác sĩ trong trường hợp bị ho mãn tính.

5. Thoát vị bẹn nguy hiểm như thế nào?

Bệnh thoát vị bẹn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách có thể gây những biến chứng nguy hiểm như:

– Thoát vị kẹt: là một phần của ruột, mô mỡ hoặc buồng trứng chui xuống túi thoát vị nhưng bị kẹt lại trong đó dù đã dùng tay đẩy lên. Thoát vị kẹt có thể tạo nên khối chắc khiến người bệnh bị căng đau, nôn, táo bón và dễ kích thích.

– Thoát vị nghẹt: xảy ra khi các tạng trong túi thoát vị bị xoắn lại, không thể di chuyển trở lại vào trong ổ phúc mạc. Thoát vị nghẹt khiến máu không thể lưu thông đến đây có thể dẫn đến hoại tử các tạng thoát vị. Vùng thoát vị bị viêm, sưng đỏ. Người bệnh sốt cao và rất đau.

– Vô sinh ở nam giới: thoát vị bẹn có thể gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, hoại tử tinh hoàn… làm tăng nguy cơ vô sinh ở nam giới

– Chấn thương tạng thoát vị: xảy ra khi bị chấn thương từ bên ngoài gây nên dập, vỡ các tạng bên trong.

Điều trị thoát vị bẹn để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm xảy ra

Điều trị thoát vị bẹn để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm xảy ra

6. Những dấu hiệu cảnh báo thoát vị bẹn cần thăm khám ngay

Qua những thông tin ở phần trên có thể thấy thoát vị bẹn không chỉ gây ra nhiều triệu chứng khó chịu mà còn đe dọa dẫn tới các biến chứng về sức khỏe, nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này. Do đó việc phát hiện sớm bệnh để can thiệp kịp thời là rất cần thiết. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp thoát vị bẹn thường không có triệu chứng đặc biệt cho đến khi xuất hiện khối phồng ở vùng bẹn. Khi khối thoát vị có sự gia tăng về kích thước thì người bệnh sẽ thấy xuất hiện các triệu chứng sau:

– Xuất hiện khối phồng trên nếp lằn bẹn.

– Khối phồng xuất hiện khi áp lực trong ổ bụng tăng lên như khi ho, rặn đại tiện, gồng bụng, mang vác vật nặng hoặc khi vận động mạnh… và tự động biến mất khi người bệnh nằm nghỉ ngơi. Trong một vài trường hợp, khối phồng này không tự “lặn” được phải dùng tay đẩy lên.

– Các cơ vùng chậu yếu và có cảm giác đang phải chịu một áp lực nào đó.

– Khó chịu và đau nhói vùng bẹn khi nghiêng vác vật nặng, tập thể dục quá sức hay khi vặn mình.

– Xuất hiện tiếng sôi ruột ở khối thoát vị.

– Bìu giãn lớn, một bên bìu to bất thường so với bên còn lại.

– Sốt cao, đau dữ dội, nhịp tim tăng nếu các tạng bị xoắn lại và bị nghẹt trong túi thoát vị.

Hy vọng các thông tin trong bài viết đã giúp bạn có cái nhìn tổng quát về bệnh lý thoát vị bẹn và cách điều trị. Nhìn chung điều trị thoát vị bẹn trong đại đa số trường hợp đều đạt được hiệu quả cao nhưng cần được tiến hành bởi bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm và giỏi về chuyên môn với thiết bị y tế hiện đại. Do đó, người bệnh cần lưu tâm trong việc lựa chọn địa chỉ khám chữa bệnh cho mình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital