Cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Bệnh tay chân miệng không phải bệnh mới lạ nhưng vẫn khiến cho phụ huynh cảm thấy lo lắng nếu như con em mình mắc phải. Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng thế nào cho con nhanh khỏi là thắc mắc của không ít cha mẹ.

1. Thông tin tổng quát về bệnh tay chân miệng

1.1. Khái niệm bệnh tay chân miệng

Số lượng trẻ bị tay chân miệng hiện nay đã không còn ít, bệnh cũng trở nên quá quen thuộc với nhiều người. Bệnh được xếp trong Top 10 bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc cao ở nước ta.

Tay chân miệng là bệnh gây ra bởi virus đường ruột, đối tượng thường mắc bệnh là trẻ em mọi lứa tuổi, đôi khi có cả người trưởng thành cũng nhiễm bệnh.

chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng giờ đã trở nên rất phổ biến

Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng có thể mắc quanh năm và nguy cơ lây lan thành dịch rất cao. Bệnh có thể không trực tiếp nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu để bệnh chuyển biến thành biến chứng, có thể gây nguy hiểm hoặc để lại di chứng sau này cho trẻ. Hiện bệnh này chưa có thuốc điều trị nên việc phòng ngừa bệnh vẫn được đặt lên hàng đầu. Việc điều trị bệnh cũng chủ yếu là điều trị triệu chứng bệnh.

1.2 Bệnh tay chân miệng có những triệu chứng gì?

Thời gian ủ bệnh của tay chân miệng sẽ từ 3 đến 7 ngày. Lúc này bệnh nhi hầu như chưa có những biểu hiện rõ ràng nào của bệnh. Tiếp sang giai đoạn khởi phát, trẻ sẽ có những biểu hiện điển hình của bệnh tay chân miệng như sốt, nổi nốt ở miệng, quấy khóc, nôn trớ, mệt mỏi, có trẻ còn bị tiêu chảy.

Điển hình đối với bệnh tay chân miệng, trẻ sẽ xuất hiện những nốt đỏ mọng nước có đường kính từ 2-3mm. Những nốt đỏ này sẽ xuất hiện nhiều ở trong miệng, xung quanh miệng, khu vực tay và chân. Riêng đối với phần trong miệng, bọng nước dễ vỡ ra để lại những vết loét khiến cho trẻ bị đau đớn, bỏ ăn, quấy khóc.

Vì bệnh tay chân miệng không có thuốc đặc trị nên việc điều trị là điều trị các triệu chứng của bệnh. Cụ thể, nếu trẻ sốt cao, cần uống hạ sốt, trẻ bị đau thì có thể dùng thuốc giảm đau, an thần,… Sau khi bệnh khỏi, những nốt ban trên da sẽ tự hết mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn cần để ý đến trẻ, tránh trường hợp trẻ bị chuyển biến bệnh nặng hơn. Đặc biệt khi trẻ bị tay chân miệng cho virus EV71 có thể gây ra những biến chứng nặng như viêm màng não, viêm não, viêm phổi, cơ tim, nếu không được phát hiện cũng như xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

2. Cách chăm sóc trẻ tay chân miệng cha mẹ cần biết

2.1. Cần tránh làm những việc này khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Vì không có thuốc đặc hiệu nên viêc chăm sóc trẻ có vai trò rất quan trọng để điều trị tay chân miệng. Cha mẹ cần làm gì và không nên làm gì trong thời gian chăm sóc trẻ bị bệnh? Cha mẹ cần lưu ý:

chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Cách chăm sóc của cha mẹ ảnh hưởng nhiều đến khả năng hồi phục của trẻ

– Đầu tiên, cần kiêng đưa trẻ đến những nơi đông người vì bệnh có khả năng lây lan rất cao. Khi trẻ bị bệnh, cha mẹ cần cho trẻ cách ly tại nhà tại phòng riêng. Trường hợp trong gia đình có nhiều trẻ nhỏ thì cần phải ngăn cản trẻ tiếp xúc với những trẻ khác. Cha mẹ hoặc người chăm sóc cần phải lưu ý vệ sinh tay sạch sẽ sau khi chăm sóc trẻ để tránh bệnh lây lan.

– Không cho trẻ gãi hoặc chạm nhiều vào nốt ban đỏ. Cần giữ sạch những nốt đỏ trên người trẻ, tránh làm vỡ những nốt đó vì có thể khiến chúng bị nhiễm trùng. Nếu chẳng may những nốt đỏ đó bị phồng rộp lên thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để dùng thuốc bôi ngăn ngừa bị nhiễm trùng.

– Không dùng những vật dụng cho trẻ ăn dạng sắc nhọn, tránh chạm vào những vết thương trong miệng của trẻ. Điều này có thể khiến trẻ bỏ ăn vì cảm thấy đau đớn.

– Trong trường hợp trẻ bị sốt, có thể dùng hạ sốt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Không cho trẻ uống aspirin để hạ sốt vì có thể khiến trẻ bị hội chứng Reye, có thể ảnh hưởng đến gan và não của trẻ.

– Cha mẹ không dùng những chất có tính sát khuẩn như muối hoặc chanh để bôi tùy tiện lên da của trẻ vì có thể khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

chăm sóc trẻ bị tay chân miệng

Cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu định cho con dùng bất kỳ loại thuốc nào

– Nhiều phụ huynh cho rằng nên kiêng tắm khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Thậm chí nhiều cha mẹ còn có tư tưởng phải ủ kín, tránh gió thì nốt mới không lan thêm. Tuy nhiên, trẻ bị ủ kín hoặc không được vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ, thường xuyên thì khả năng những nốt ban tay chân miệng bị nhiễm trùng sẽ còn cao hơn. Cha mẹ nên mặc cho trẻ những loại quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi và để cho những nốt đỏ được thoáng khi thì mới giúp trẻ nhanh lành bệnh hơn và không để lại sẹo trên da trẻ.

2.2. Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng: Chú ý không cho trẻ ăn những thực phẩm sau

Cho trẻ ăn gì, ăn những thực phẩm được chế biến như thế nào là vấn đề ảnh hưởng nhiều đến việc điều trị cho trẻ.

– Không nên cho trẻ ăn những loại thực phẩm như: nho khô, lạc, chocolate vì những loại thực phẩm này chứa một thành phần có thể làm cho virus sinh sản nhiều hơn, có tên là Arginine.

– Không nên cho trẻ ăn những loại thức ăn cứng, cay nóng hoặc quá nhiều gia vị, sẽ khiến cho trẻ bị đau miệng. Không những thế, những vết loét còn có thể bị nặng hơn.

– Tránh cho trẻ ăn những loại thực phẩm dầu mỡ, nhất là ăn những loại chất béo bão hòa. Có thể khiến cho da trẻ tăng tiết dầu, làm những viết nốt trở nên nặng hơn hoặc khiến trẻ bị khó tiêu hóa, giảm hấp thụ.

Trên đây là những thông tin về bệnh tay chân miệng cũng như cách chăm sóc cho trẻ. Hy vọng với bài viết trên đây, nhiều bậc cha mẹ sẽ có thêm thông tin để chăm sóc cho trẻ bị tay chân miệng, đồng thời sẽ hữu ích với nhiều bậc phụ huynh đang mong muốn tìm hiểu về bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital