Các yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng ngừa tai biến

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Tai biến (tai biến mạch máu não) là một trong những bệnh lý nguy hiểm đối với tính mạng con người. Vì vậy, việc phòng ngừa tai biến cần phải được đặt lên hàng đầu. Cùng tìm hiểu các yếu tố nguy cơ và biện pháp phòng ngừa căn bệnh này qua bài viết sau.

1. Các yếu tố nguy cơ quan trọng gây tai biến mạch máu não

Tai biến mạch máu não là một căn bệnh nguy hiểm, một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do tắc mạch hoặc vỡ mạch máu não, khiến các tế bào não bị tổn thương và hoại tử.

Nguy cơ tai biến mạch máu não gồm 2 nhóm chính là nguy cơ không thể thay đổi và nguy cơ có thể thay đổi.

1.1 Nguy cơ không thể thay đổi

Tuổi tác, giới tính, dân tộc, di truyền,… là những yếu tố gây đột quỵ không thể thay đổi. Theo đó, những người dễ có nguy cơ bị đột quỵ gồm:

– Nam giới

– Những người trên 45 tuổi

– Người có người thân trong gia đình có tiền sử đột quỵ

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi của bệnh đột quỵ

Tuổi tác là một yếu tố nguy cơ không thể thay đổi của bệnh đột quỵ.

1.2 Nguy cơ có thể thay đổi 

Ngoài những yếu tố không thể thay đổi, có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến tai biến có thể thay đổi được như các bệnh lý, tình trạng cân nặng, các thói quen sinh hoạt,… Cụ thể:

– Thừa cân, béo phì

Tình trạng này thường liên quan đến sự dư thừa và lắng đọng chất béo, làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu và hình thành cục máu đông. Vì vậy, đây cũng là một yếu tố nguy cơ gây tai biến.

– Các thói quen xấu

Bao gồm: nghiện thuốc lá, thường xuyên hút thuốc, uống quá nhiều rượu, bia và đồ uống có cồn, ít vận động, tập thể dục, ăn đồ có hàm lượng chất béo, dầu mỡ cao…

Các thói quen này có thể làm tăng nồng độ LDL cholesterol, giảm nồng độ HDL cholesterol trong máu, gây tổn thương tế bào nội mạc của các động mạch, tạo điều kiện cho vữa xơ động mạch phát triển.

– Thường xuyên lo âu, căng thẳng

Tình trạng căng thẳng, rối loạn lo âu kéo dài có thể làm tăng huyết áp, gây tổn thương các mạch máu, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

– Các bệnh lý

Một số bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh lý tim mạch, rối loạn mỡ máu có thể tác động tiêu cực đến sự dẻo dai của thành mạch và quá trình lưu thông máu, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Tăng huyết áp động mạch làm tăng nguy cơ với tất cả các loại tai biến mạch máu não, gồm nhồi máu não và xuất huyết não. Khi huyết áp tăng cao, nội mạc thành mạch dễ bị tổn thương. Các nghiên cứu cho thấy đái tháo đường làm tăng tỷ lệ mắc đột quỵ não từ 2 – 6,5 lần, tăng gấp đôi tỷ lệ tử vong, gây ra các biến cố tim mạch và đột quỵ não.

Các bệnh về tim như rung nhĩ, viêm màng trong tim, hẹp van hai lá, nhồi máu cơ tim…cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Các bệnh nhân bị rối loạn lipid máu cũng cần cảnh giác với đột quỵ bởi khi hàm lượng lipid trong máu quá cao sẽ dễ “ngấm” vào và lắng đọng ở thành mạch máu, gây vữa xơ động mạch.

Yếu tố nguy cơ gây đột quỵ có thể phòng tránh

Uống rượu bia có thể gây làm tăng huyết áp, tổn thương hệ thần kinh, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

2. Các biện pháp giúp phòng ngừa tai biến mạch máu não xảy ra

Muốn phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não, cần thay đổi các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Cụ thể:  

2.1 Phòng ngừa tai biến bằng cách kiểm soát tốt các bệnh lý nguy cơ

Để phòng tránh tai biến, bạn nên kiểm soát tốt các bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu. 

Để duy trì huyết áp ở mức lý tưởng, bạn cần giảm muối trong chế độ ăn uống, không quá 1,5g mỗi ngày. Bên cạnh đó cần tránh các loại thực phẩm giàu cholesterol, nhiều đường. Thay vào đó, bổ sung rau và trái cây mỗi ngày, ăn 2 – 3 bữa cá mỗi tuần. Ăn thêm các loại ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít béo. 

Nếu đang điều trị huyết áp, tiểu đường bằng thuốc, cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của các bác sĩ, không tự ý sử dụng hoặc thay đổi loại thuốc để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. 

2.2 Chú ý đến cân nặng

Bạn cần kiểm soát chỉ số BMI < 25 để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ. Để làm được như vậy, người bệnh không nên ăn quá 1.500 – 2.000 calo/ngày. Nên tăng cường vận động thể chất đều đặn với các bộ môn như đi bộ, chơi golf hoặc tennis.

2.3 Tập thể dục nhiều hơn – Biện pháp phòng ngừa tai biến được các chuyên gia khuyến cáo

Việc tập thể dục ở cường độ vừa phải giúp phòng chống đột quỵ hiệu quả. Các hoạt động có thể chỉ đơn giản tại nhà như đi dạo sau bữa tối, tham gia một câu lạc bộ thể dục, đi thang bộ ít nhất 5 ngày/tuần. Hoặc bạn cũng thiết kế các bài tập sức mạnh với cường độ cao hơn tại các phòng tập, trung tâm.

Có thể tập liên tục 30 phút/ngày hoặc chia nhỏ thời gian tập luyện thành 10 – 15 phút/lần và 2-3 lần/ngày.

2.4 Hạn chế uống bia, rượu

Thay vì thường xuyên sử dụng rượu, bia với nồng độ cao, bạn nên hạn chế lượng rượu nạp vào cơ thể. Có thể uống 1 ly nhỏ rượu vang đỏ mỗi ngày. Resveratrol trong loại rượu này giúp bảo vệ tim và não.

2.5 Không hút thuốc lá

Tốt nhất bạn nên từ bỏ thuốc lá, hoặc ít nhất là hạn chế. Nếu khó từ bỏ thuốc lá, có thể sử dụng các sản phẩm hỗ trợ như viên ngậm nicotine, miếng dán…

Biện pháp phòng ngừa tai biến hiệu quả

Tập thể dục thường xuyên giúp phòng ngừa tai biến hiệu quả

2.6 Tránh căng thẳng quá mức

Cố gắng cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi và giữ cho tâm trạng luôn thoải mái bằng các biện pháp thư giãn. Có thể làm những điều mình thích, giao lưu các hội nhóm, đi chơi với bạn bè,… 

Đối với những người mắc chứng trầm cảm, rối loạn lo âu, cần tích cực điều trị bằng thuốc hoặc các biện pháp tâm lý với sự tư vấn và giám sát của bác sĩ. 

Qua bài viết trên đây, hi vọng bạn đã có thêm những kiến thức bổ ích về bệnh tai biến mạch máu não và các biện pháp phòng ngừa tai biến hiệu quả. Việc thay đổi lối sống có ý nghĩa rất lớn trong dự phòng căn bệnh này, vì vậy hãy lựa chọn lối sống lành mạch. Khi có các yếu tố nguy cơ hoặc dấu hiệu bất thường, hãy đi khám sớm để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital