Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Để chẩn đoán chính xác bệnh ung thư gan, bác sĩ thường chỉ định kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để xác định chính xác tình trạng bệnh. Dưới đây là các xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan có thể được chỉ định.

1. Sơ lược về ung thư gan

Ung thư gan xuất phát từ sự phát triển bất thường của các tế bào phát sinh từ các mô trong gan. Bệnh được chia thành 2 nhóm chính bao gồm:

– Ung thư gan nguyên phát: Ung thư xuất phát từ tế bào gan hoặc ống mật.

– Ung thư gan thứ phát: Do di căn ung thư từ cơ quan khác tới gan.

Ung thư gan là loại ung thư phổ biến hàng đầu tại Việt Nam với hơn 26.400 ca mắc mới trong năm 2020 (Theo Globocan WHO). Đây cũng là bệnh lý ung thư có số ca tử vong cao nhất trong năm 2020, lên đến hơn 25.200 trường hợp.

Hiện nay y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân và cơ chế chính xác gây ung thư gan. Tuy nhiên các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tế bào gan nguyên phát được cho là: nhiễm virus viêm gan B, C; xơ gan, tiếp xúc với các chất độc gây hoại tử tế bào gan (dioxin, tetraclorua cacbon, nấm mốc);…

Xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan là gì?

Ung thư gan là bệnh lý ung thư phổ biến tại Việt Nam, tiên lượng thường xấu, tỉ lệ tử vong cao

2. Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan

Qua thăm khám lâm sàng nghi ngờ ung thư, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp các biện pháp chẩn đoán ung thư gan để đánh giá chính xác tình trạng bệnh:

2.1. Xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan – Xét nghiệm máu

Trong máu, có hai chỉ số liên quan đến ung thư gan được quan tâm là: Alpha – Fetoprotein (viết tắt là AFP) và PIVKA II có độ nhạy cao với ung thư gan nguyên phát.

Nồng độ AFP trong chẩn đoán ung thư gan cụ thể như sau:

– AFP < 10 ng/ml: Sức khỏe gan bình thường.

– 10 ng/ml < AFP < 200 ng/ml: Nguy cơ cao bị ung thư gan.

– 200 ng/ml < AFP < 500 ng/ml: bị ung thư gan hoặc viêm gan mạn tính.

– AFP > 500 ng/ml: 99% là bị ung thư tế bào gan, ung thư tinh hoàn hoặc ung thư buồng trứng.

Ngoài giá trị chẩn đoán, xét nghiệm AFP còn dùng trong theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị ung thư gan. Người bệnh đang đáp ứng tốt điều trị sẽ có nồng độ AFP giảm dần, chức năng gan đang được phục hồi.

Xét nghiệm PIVKA II có độ nhạy cao trong chẩn đoán ung thư tế bào gan nguyên phát. Kết quả dương tính khi PIVKA II  > 60 mAU/ml).

Ngoài ra, chẩn đoán ung thư gan cũng đánh giá các thông số xét nghiệm sinh hóa và huyết học khác như:

– Hồng cầu và huyết sắc tố giảm.

– Bilirubin máu có thể tăng.

– Bạch cầu giảm.

– Men arginase trong gan giảm.

– Glucose trong máu thấp.

– Transaminase tăng vừa.

– …

Những xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan

Ung thư gan có thể được phát hiện qua các xét nghiệm marker ung thư

2.2. Xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan bằng kỹ thuật hình ảnh

Các kỹ thuật hình ảnh giúp xác định ra cụ thể vị trí, kích thước và mức độ xâm lấn của tổ chức ung thư gan, bao gồm:

Siêu âm gan

Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cơ bản, cho kết quả nhanh, có thể phát hiện khối u trong gan. Trong ung thư gan, thường gặp hình ảnh một ổ hoặc nhiều ổ có biểu hiện tăng siêu âm ở khối u và có viền sáng quanh u.

Tuy nhiên, do độ phân giải hình ảnh thấp nên siêu âm chỉ phát hiện được các khối u có kích thước lớn.

Kết quả siêu âm thường kết hợp với xét nghiệm máu để chẩn đoán ung thư gan bước đầu ở bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, phương pháp này cũng được sử dụng để hướng dẫn chọc sinh thiết khối u gan bằng kim nhỏ, can thiệp cắt gan,…

Chụp cắt lớp vi tính CT

Khi xét nghiệm máu và siêu âm đều bất thường, nghi ngờ ung thư gan thì kỹ thuật chụp CT thường sẽ được thực hiện. Các thông tin về khối u có thể khai thác với ảnh chụp CT bao gồm: Kích thước, vị trí, hình dạng khối u, hệ thống mạch máu hình thành quanh khối u ác tính,…

Chụp CT cho hình ảnh rõ nét và xác định ung thư rõ hơn. Tuy nhiên bản chất khối u không được chẩn đoán chính xác. Chẩn đoán hình ảnh này có độ nhạy tốt nhất với các khối u có kích thước trên 1cm.

Chụp cộng hưởng từ MRI

Khi khối u có kích thước nhỏ, giá trị chẩn đoán của siêu âm và CT sẽ giảm. Lúc này MRI có giá trị chẩn đoán cao hơn. Phương pháp này được chỉ định khi siêu âm và xét nghiệm nghi ngờ bệnh nhưng ảnh chụp CT không thấy rõ. Bên cạnh đó, chụp MRI cũng tiết lộ các tổn thương xâm lấn tĩnh mạch trong gan.

Ngoài ra, một số kỹ thuật hình ảnh khác cũng được chỉ định trong chẩn đoán ung thư gan như: X-quang lồng ngực, siêu âm nội soi, chụp tĩnh mạch cửa,…

Một số xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan

Người bệnh có thể được chỉ định siêu âm gan, chụp CT, chụp cộng hưởng từ MRI,… để chẩn đoán ung thư gan

2.3. Sinh thiết gan chẩn đoán xác định ung thư gan

Sinh thiết gan là phương pháp cuối cùng và chính xác nhất để chẩn đoán ung thư gan. Đây cũng là thủ thuật có giá trị theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị bệnh.

Để thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sẽ dùng cây kim mỏng đâm xuyên qua bụng vào gan lấy mẫu mô gan tại khu vực nghi ngờ. Mẫu mô được kiểm tra dưới kính hiển vi giúp phát hiện tế bào ung thư gan.

Sinh thiết gan ẩn chứa nhiều rủi ro như: nhiễm trùng, làm lây lan tế bào ung thư gan, chảy máu,… Do đó xét nghiệm này chỉ được thực hiện khi thực sự cần thiết, nhằm xác nhận chẩn đoán sau các phương pháp chẩn đoán trước đó.

3. Ý nghĩa của các xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan

Tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương án chẩn đoán khác nhau. Các xét nghiệm hình ảnh có vai trò xác định vị trí, kích thước và mức độ di căn của khối u. Trong khi đó, xét nghiệm máu và các chỉ số ung thư gan có vai trò đánh giá mức độ bệnh và theo dõi điều trị.

Mục đích phải đạt được khi chẩn đoán ung thư gan là phải xác định mức độ và giai đoạn tiến triển của bệnh. Với các thông tin chẩn đoán đầy đủ, bác sĩ có thể xây dựng phác đồ điều trị bệnh phù hợp và hiệu quả. Đồng thời, bác sĩ cũng có thể đưa ra tiên lượng để người bệnh và gia đình hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh.

Trên đây là những thông tin tham khảo về các xét nghiệm chẩn đoán ung thư gan. Tỉ lệ sống sót sau 5 năm điều trị ung thư gan ở Việt Nam còn thấp do phát hiện bệnh muộn và điều trị không kịp thời. Do đó việc chủ động thăm khám sàng lọc ung thư gan là giải pháp hữu hiệu kiểm soát căn bệnh nguy hiểm này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital