Buồn nôn khi mang thai và các biện pháp cải thiện hiệu quả nhất!

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Triệu chứng nôn nghén trong thời kỳ mang thai là biểu hiện hầu hết các mẹ bầu đều phải trải qua, nhất là trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ. Đây là biểu hiện bình thường do sự xáo trộn của nội tiết tố trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, không ít bà mẹ bị nôn nghén nặng và coi việc này như một nỗi ám ảnh trong thai kỳ. Vậy làm thế nào để khắc phục tình trạng buồn nôn khi mang thai?

1. Triệu chứng nôn nghén thai kỳ theo từng giai đoạn

Thông thường mẹ bầu sẽ gặp phải cảm giác buồn nôn vào giai đoạn trong những tuần đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, không ít trường hợp trong suốt 9 tháng mang thai, có những thời điểm mẹ vẫn bị buồn nôn và nôn nghén như giai đoạn đầu.

1.1 Buồn nôn khi mang thai ở tam cá nguyệt đầu tiên

Theo thống kê, có đến hơn 80% phụ nữ mang thai gặp cảm giác buồn nôn ở giai đoạn 3 tháng đầu tiên. Sau đó, ở tuần thứ 16 – 18 tuần, cảm giác buồn nôn sẽ ngày càng giảm dần đi. Có nhiều nghiên cứu còn cho rằng việc mẹ bầu xuất hiện tình trạng nôn nghén trong 3 tháng đầu tiên thì nguy cơ sảy thai hoặc thai lưu sẽ thấp hơn những mẹ không xuất hiện tình trạng ốm nghén.

Hầu hết các mẹ bầu đều gặp tình trạng buồn nôn khi mang thai ở những tuần đầu tiên của thai kỳ

Hầu hết các mẹ bầu đều gặp tình trạng buồn nôn khi mang thai ở những tuần đầu tiên của thai kỳ

Nếu tình trạng nôn nghén của mẹ kéo dài cả ngày, mẹ bị sút cân thì mức độ ốm nghén của mẹ đã ở mức độ nặng. Khi bị ốm nghén nặng, cơ thể mẹ sẽ bị mất nước, đồng thời thiếu hụt các vitamin và khoáng chất cần thiết. Vì thế, khi rơi vào tình trạng nôn nghén nặng nề khiến cơ thể sa sút sức khỏe, mẹ nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để có biện pháp khắc phục.

1.2 Buồn nôn khi mang thai giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ

3 tháng giữa thai kỳ được cho là giai đoạn mẹ bầu cảm thấy dễ chịu nhất khi mang thai, bởi lúc này những triệu chứng buồn nôn, mệt mỏi khi mang thai bắt đầu giảm dần rồi mất hẳn. Bên cạnh đó, kích thước của thai nhi chưa phát triển lớn, vì vậy mẹ bầu chưa gặp khó khăn trong việc di chuyển cũng như áp lực khi thai nhi chèn ép lên.

Tuy nhiên, không phải mẹ bầu nào cũng may mắn thoát khỏi những cơn khủng hoảng ốm nghén. Một số ít mạ bầu vẫn bị nôn nghén trong suốt giai đoạn 3 tháng giữa thai kỳ, thậm chí còn kéo dài cho đến khi mẹ chuyển dạ sinh em bé.

1.3 Buồn nôn khi mang thai giai đoạn cuối thai kỳ

Ngoài những tuần đầu tiên, nhiều mẹ bầu phải đối mặt với tình trạng ốm nghén đến tận cuối thai kỳ. Điều này khiến cho sức khỏe thể chất và tâm lý của mẹ bị ảnh hưởng khá nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do em bé trong bụng mẹ lúc này đã lớn hơn nhiều khiến cho kích thước tử cung cũng phát triển theo và làm chèn ép lên dạ dày của mẹ. Ngoài ra, việc mẹ thường xuyên buồn nôn, chóng mắt có thể đến từ nguyên nhân thiếu máu trong thai kỳ, dễ dẫn đến việc tụt huyết áp, gây nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi.

Bên cạnh đó, việc mẹ ngủ sai tư thế trong giai đoạn cuối thai kỳ sẽ khiến máu huyết khó lưu thông hơn. Tình trạng này tuy không quá nghiêm trọng nhưng nếu biểu hiện buồn nôn kèm theo hoa mắt, thở gấp hoặc nặng hơn nữa có thể bị ngất. Khi gặp tình trạng này, mẹ bầu nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám cụ thể.

Nếu tình trạng nôn nghén quá nặng, mẹ nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để có phương án cải thiện phù hợp

Nếu tình trạng nôn nghén quá nặng, mẹ nên nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để có phương án cải thiện phù hợp

Ngoài ra, buồn nôn vào cuối thai kỳ cũng có thể là dấu hiệu cho thấy mẹ bầu sắp chuyển dạ. Bên cạnh những dấu hiệu thông thường như tụt bụng, mệt mỏi, xuất hiện nhiều cơn gò,… thì những cơn nôn khan hay cồn cào bụng cũng báo hiệu mẹ có thể sắp sinh. Nguyên nhân được cho là do thai nhi phát triển lớn và nằm chèn lên hệ tiêu hóa. Khi có cảm giác buồn nôn ở những tuần cuối của thai kỳ, mẹ nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho hành trình vượt cạn và chào đón em bé.

2. Những đặc điểm điển hình của cơn ốm nghén

Buồn nôn, nôn ói hay lợm giọng là những triệu chứng ốm nghén điển hình khi mang thai. Cơn buồn nôn có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào, nhất là khi mẹ gặp sự kích thích về mùi vị của các loại thực phẩm như thịt, cá,….Có đến hơn 80% bà bầu xuất hiện triệu chứng nôn nghén từ tuần thứ 5 đến tuần 16 của thai kỳ. Trong đó có 10% mẹ bầu kéo dài triệu chứng đến tuần thứ 20, thậm chí là cho đến cuối thai kỳ. Triệu chứng ốm nghén thường xảy ra ở những phụ nữ có cơ địa dễ nhạy cảm.

Ngoài ra, cơn ốm nghén còn đi kèm theo các triệu chứng điển hình như:

– Cơ thể mệt mỏi: Việc liên tục gặp cảm giác buồn nôn và nôn nhiều sẽ khiến cho cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và tinh thần của bà bầu.

– Dễ nhạy cảm với các loại mùi: Trong thời gian mang thai, phụ nữ sẽ rất dễ nhạy cảm với các loại mùi, vị lạ, họ có thể dễ dàng nhận thấy các loại chất độc hại ở môi trường xung quanh.

– Sự thay đổi khẩu vị: Một số mẹ bầu có thể không khoái những món ăn ưa thích trước đây, mẹ có thể sẽ trở nên kén ăn hơn. Nếu tình trạng này không được cải thiện, mẹ sẽ bị thiếu chất khiến cho thai nhi phát triển kém.

3. Những biện pháp giúp cải thiện cơn ốm nghén hiệu quả cho bà bầu

Những cơn nôn nghén kéo dài có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mẹ bầu. Buồn nôn trong giai đoạn mang thai nếu không có biện pháp cải thiện sẽ dẫn tới suy nhược cơ thể, ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Do đó, các mẹ bầu nên áp dụng các biện pháp để cải thiện cơn ốm nghén như:

– Hạn chế tiếp xúc với những thực phẩm nặng mùi hoặc lạ mùi. Nếu nghén quá nặng, trong thời gian đầu mẹ cần xác định loại bỏ những thực phẩm hoặc mùi khiến mẹ bị buồn nôn.

– Mẹ nên lựa chọn những thực phẩm bản thân cảm thấy yêu thích nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn và đầy đủ chất dinh dưỡng, mẹ nên uống nhiều nước.

– Hạn chế những loại thực phẩm có chứa chất béo và carbohydrates, những loại thực phẩm này dễ gây đầy bụng, dẫn đến buồn nôn khi mang thai.

– Nên bổ sung đầy đủ các vitamin cần thiết cho thai kỳ như axit folic, sắt, canxi,…Đặc biệt là trong giai đoạn nôn nghén vì lúc này mẹ chưa thể ăn uống tốt được.

Mẹ nhất định không được bỏ qua các loại vitamin dành cho bà bầu cần thiết trong thai kỳ

Mẹ nhất định không được bỏ qua các loại vitamin dành cho bà bầu cần thiết trong thai kỳ

– Mẹ cũng nên xây dựng cho mình thực đơn dinh dưỡng khoa học, lành mạnh, ăn nhiều rau xanh hoặc trái cây bởi những thực phẩm này sẽ ít có mùi hơn và đồng thời cũng cung cấp lượng vitamin, khoáng chất tốt cho mẹ và bé. Bên cạnh đó, để hỗ trợ tiêu hóa, mẹ có thể bổ sung thêm sữa chua để hạn chế những cơn ợ hơi, đầy bụng

– Nếu triệu chứng nôn nghén trầm trọng, mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc chống nôn giúp cơ thể đỡ mệt mỏi hơn. Dù chỉ mang tính tương đối đối với bà bầu nhưng những loại thuốc này vẫn có hiệu quả trong việc cải thiện cơn ốm nghén của mẹ.

– Ngoài ra, mẹ nên cố gắng giữ tinh thần thoải mái, lạc quan hoặc có thể tham gia vào các bộ môn như yoga để điều hòa nhịp thở, lưu thông khí huyết, cải thiện tình trạng nôn nghén.

Hy vọng qua bài viết trên đây, các mẹ bầu đã có thêm thông tin về tình trạng ốm nghén khi mang thai cũng như có biện pháp cho riêng mình để cải thiện những cơn ốm nghén. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, mẹ hãy liên hệ tới Thu Cúc TCI để được tư vấn trực tiếp!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital