Biểu hiện viêm bờ mi mắt và những lưu ý phòng bệnh

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Bệnh viêm bờ mi là tình trạng sưng viêm ở khu vực mi mắt nơi phát triển lông mi và có thể gây ảnh hưởng đến toàn bộ mí mắt. Tất cả mọi người, không phân biệt, đều có nguy cơ bị bệnh viêm bờ mi mắt dưới hoặc trên. Tuy nhiên theo một số thống kê, người trẻ tuổi thường có xu hướng bắt gặp triệu chứng bệnh này cao hơn so với người lớn tuổi. Biểu hiện viêm bờ mi mắt không quá đặc trưng nhưng rất dễ nhận biết và làm người bệnh khó chịu.

1. Bệnh viêm bờ mi là như thế nào?

biểu hiện viêm bờ mi mắt

Viêm bờ mi mắt không gây tổn hại đến thị lực nhưng khiến người bệnh rất khó chịu

Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia nhãn khoa, viêm bờ mi mắt là vấn đề sức khỏe không gây tổn hại đến thị lực người mắc. Đây là tình trạng viêm biểu bì bờ tự do của mi mắt, gây ảnh hưởng trực tiếp đến mi mắt với diễn tiến phổ biến là mí mắt bị viêm, sưng, với sự xuất hiện rõ ràng của các hạt tuyến bã gần chân lông mi. Tình trạng này gây kích thích mí mắt, ngứa ngáy, sưng đỏ và có thể nhức nhối hoặc rát mắt. Ngoài ra, bệnh không có tính lây truyền và cần được phân biệt bệnh này với bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ).

Hiện nay viêm bờ mi được các chuyên gia chia thành 2 phân loại dựa vào vị trí mi mắt bị bệnh:

– Viêm bờ mi trước: Là loại chủ yếu ảnh hưởng đến viền ngoài mi mắt và thường xảy ra ở trẻ em, do một số nguyên nhân như sự tăng tiết bã nhờn liên quan đến vảy da chết hay nhiễm khuẩn Staphylococcus.

– Viêm bờ mi sau: Bệnh diễn ra khi các tuyến dầu tại mí mắt bị tắc nghẽn, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn phát triển tại đây và gây viêm nhiễm. Việc rối loạn tuyến nhờn bờ mi (tuyến meibomius) là tác nhân chủ yếu đứng sau phân loại bệnh này. Người mắc bệnh ở phân loại này thường dễ bị đỏ tại mí mắt trên hoặc mí mắt dưới, có cảm giác nóng rát và khô mắt. Ngoài ra, tầm nhìn cũng gặp khó khăn hơn do mắt thiếu độ ẩm.

2. Những tình trạng nào là biểu hiện viêm bờ mi mắt?

2.1 Biểu hiện viêm bờ mi mắt thường gặp

Bệnh nhân bị viêm bờ mi thường có các triệu chứng bệnh mãn tính tái phát, thay đổi theo thời gian, mức độ bệnh và liên quan đến cả hai mắt:

– Mí mắt đỏ, sưng tấy hoặc ngứa ngáy

– Có sạn trong mắt hoặc cảm giác nóng rát khó chịu

– Chảy nước mắt rất nhiều (dấu hiệu của khô mắt)

– Mắt có thể bị đóng vảy và rụng lông mi nhiều vào buổi sáng

– Da tại mí mắt, sát chân mi bị bong tróc hoặc đóng vảy

– Nhạy cảm ánh sáng, dễ bị chói hơn bình thường

– Nhìn mờ nhưng chỉ thoáng qua, thường cải thiện khi chớp mắt lại

Biểu hiện viêm bờ mi mắt

Các hạt bã nhờn tại chân mi là biểu hiện đặc trưng

– Biểu hiện viêm bờ mi mắt liên quan đến vi khuẩn Demodex có biểu hiện đặc trưng với vảy gàu hình trụ hoặc dạng “tay áo” trên lông mi.

– Viêm bờ mi do tiếp xúc (do dị ứng) với chất một số chất gây kích ứng (như mỹ phẩm). Thường biểu hiện với mí mắt đỏ, sưng và ngứa xảy ra sau khi tiếp xúc.

– Là biểu hiện hoặc kéo theo của một số bệnh như: bệnh trứng cá đỏ khiến mặt bị ửng đỏ, viêm da tiết bã khiến vùng da đầu, giữa mặt bị bong vảy da.

Những biểu hiện viêm bờ mi mắt này có thể kéo dài liên tục hoặc thường xuyên tái phát. Ngoài ra bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác ở mí mắt chưa được đề cập. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có chẩn đoán chính xác.

2.2 Biểu hiện viêm bờ mi mắt khi biến chứng

Thực tế, viêm bờ mi mắt bản chất ban đầu của nó không gây nguy hiểm đối với thị lực mà thường gây khó chịu hoặc cản trở tầm nhìn nhưng nó không gây hại đối với sức khỏe. Mặc dù vậy, nếu không điều trị hoặc kiểm soát tốt tình trạng viêm bờ mi ngay từ đầu thi bệnh có nguy cơ kéo theo một vài biến chứng nghiêm trọng đối với mắt.

Dưới đây là một số biểu hiện viêm bờ mi mắt trở nặng hay còn có thể được coi là biến chứng:

– Bệnh khô mắt là biến chứng thường gặp ở bệnh viêm bờ mi, thường xảy ra ở khoảng 25 đến 40% những người mắc bệnh.

– Rụng lông mi nhiều.

Biểu hiện viêm bờ mi mắt

Chắp, lẹo cũng có thể là biểu hiện khi viêm bờ mi nặng

– Nhiễm trùng cấp tính tại mi mắt, gây nổi chắp, lẹo,…

– Viêm túi lệ.

– Làm nặng thêm các triệu chứng và các bệnh về giác mạc đi kèm nếu có.

3. Các nguyên nhân khiến bệnh viêm bờ mi xuất hiện

Thực tế, nguyên nhân chính xác và cụ thể gây bệnh viêm bờ mi đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng bệnh có mối liên hệ mật thiết với một số yếu tố sau:

– Cơ thể phản ứng viêm bất thường đối với những vi khuẩn vốn dĩ vẫn cư ngụ trên mí mắt.

– Viêm da tiết bã nhờn (viêm da dầu) hoặc chứng đỏ mặt (rosacea).

Biểu hiện viêm bờ mi mắt

Nhiễm ký sinh trùng Demodex có thể là nguyên nhân gây bệnh

– Nhiễm vi khuẩn Demodex hoặc virus Herpes simplex (HSV).

Bên cạnh đó, nguy cơ mắc viêm bờ mi có thể cao hơn do những tác nhân như:

– Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị người bệnh đang sử dụng.

– Rối loạn chức năng tuyến bã nhờn ở mí mắt người bệnh.

– Quanh mắt có nhiều vảy da chết, đặc biệt là ở khu vực đầu lông mày khiến vảy dễ rơi xuống mắt gây viêm bờ mi.

– Cơ địa dị ứng với một số thành phần trong mỹ phẩm đang sử dụng.

Mặc dù việc kiểm soát tốt các tác nhân trên cũng không thể hoàn toàn ngăn chặn được tình trạng viêm bờ mi xuất hiện, nhưng phần nào cũng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Nếu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh nên tới bác sĩ để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó sẽ có phương pháp điều trị phù hợp.

4. Để phòng ngừa mắc viêm bờ mi cần làm gì?

– Giữ vệ sinh mí mắt sạch sẽ là việc đơn giản nhưng hiệu quả để ngăn chặn viêm bờ mi mắt xảy ra nhờ không chỉ hạn chế tình trạng kích ứng mà còn giúp ngừa tắc nghẽn tuyến bã nhờn tại mi mắt và các vảy da chết xung quanh mắt.

– Rửa mắt ít nhất mỗi ngày hai lần: sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ.

– Hạn chế tối đa đưa tay chạm lên mắt, nhất là khi bạn chưa rửa tay vì khu vực này rất nhạy cảm, dễ bị vi khuẩn tấn công.

– Không chà xát vào mí mắt khi bị ngứa.

– Tẩy trang cho mắt cẩn thận và kỹ càng nếu có trang điểm.

– Tránh trang điểm, kẻ mắt quá sát bờ mi.

– Hạn chế tối đa trang điểm khi đang điều trị bệnh.

– Thay khăn mặt định kì, vệ sinh dụng cụ trang điểm hoặc thay mới bút kẻ mắt,… nhất là khi vừa khỏi bệnh.

– Đi khám mắt định kì hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường.

Hy vọng những thông tin trên đây phần nào giúp các bạn có cái nhìn rõ hơn về bệnh viêm bờ mi, các biểu hiện viêm bờ mi mắt để có thể phát hiện bệnh ngay từ sớm. Ngoài ra, hãy thực hiện tốt việc giữ vệ sinh mắt và những lưu ý từ chuyên gia bên trên để phòng ngừa mắc bệnh hoặc tái phát bệnh sau một thời gian điều trị nhé! Nếu có bất cứ thắc mắc hoặc nghi ngờ bị viêm bờ mi, hãy liên hệ hoặc tới Thu Cúc TCI để được thăm khám chính xác và có phác đồ điều trị thích hợp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital