Biến chứng khó lường của bệnh viêm phổi ở trẻ

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Bệnh viêm phổi ở trẻ khá phổ biến và được xếp vào loại có khả năng cao gây tử vong cho trẻ nhiều nhất trong các bệnh về viêm nhiễm đường hô hấp. Bệnh thường xảy ra nhất với trẻ em ở nhóm tuổi từ 0 đến 5, lứa tuổi có sức đề kháng yếu kém. Chính vì vậy việc nhận biết các dấu hiệu bệnh và cách chăm sóc trẻ sao cho không xảy ra biến chứng là việc rất quan trọng.

1. Viêm phổi – Chứng bệnh thường gặp ở trẻ

Viêm phổi là bệnh lý về nhiễm trùng đường hô hấp khá nặng. Trẻ em trong độ tuổi dưới 5 tuổi thường rất hay mắc bệnh này và rất dễ dẫn đến biến chứng hoặc tử vong, vì vậy cha mẹ cần hết sức lưu ý.

1.1. Bệnh viêm phổi ở trẻ có mấy loại?

Thông thường bác sĩ sẽ chia viêm phổi thành hai loại là:

– Viêm phổi thùy là tình trạng nhu mô phổi bị viêm nhiễm, viêm túi phế nang, ống phế nang, phế quản tận cùng. Loại viêm phổi này thường hay xuất hiện ở những trẻ có đề kháng yếu như trẻ bị suy dinh dưỡng, những trẻ có tiền sử bệnh liên quan đến đường hô hấp. Vào khoảng thời gian đông xuân, nhất là khi thời tiết thay đổi thì tỉ lệ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp nói chung và bệnh viêm phổi nói riêng tăng lên khá cao. Bệnh viêm phổi thùy có thể bùng lên thành dịch ở những môi trường có nhiều trẻ như trường học hoặc các khu dân cư,…

bệnh viêm phổi ở trẻ

Trẻ em rất dễ bị viêm phổi do thời tiết

Viêm phế quản phổi là tình trạng nhiễm trùng bị lan tỏa ở các phế quản, phế nang của phổi và các mô kẽ. Loại viêm phổi này có thời gian tiến triển rất nhanh, biến chứng bệnh khá nặng, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Có nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh viêm phổi cho trẻ nhỏ. Nhưng thường gặp và cũng nguy hiểm nhất là con virus phế cầu còn có tên gọi là Streptococcus pneumoniae. Loại virus này thường lây lan qua đường hô hấp giữa người bệnh và người không bệnh.

Khi bị viêm phổi, trẻ sẽ có những biểu hiện như ho nhiều, sốt cao, ớn lạnh, vã mồ hôi, đau ngực, thở nhanh, đau cơ, ho có đờm và mệt mỏi. Những biểu hiện này có thể làm cha mẹ nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường nên nhiều phụ huynh thường chủ quan và mua thuốc điều trị tại nhà. Trong khi đó, nếu đúng là trẻ bị viêm phổi mà không được phát hiện sớm thì tình trạng bệnh sẽ rất nguy hiểm.

Bên cạnh nguyên nhân do virus, bệnh viêm phổi còn có thể có nguyên nhân do khói bụi, ô nhiễm môi trường, khói thuốc lá, thuốc lào,…

1.2 Bệnh viêm phổi ở trẻ có những biểu hiện nào để nhận biết?

Đối với trẻ sơ sinh, những dấu hiệu viêm phổi có thể nhận biết đó là:

– Sốt trên 39 độ

– Trẻ ngủ li bì, liên tục và có dấu hiệu của sự mệt mỏi

– Nhịp thở của trẻ nhanh hơn bình thường, thở gắng sức và rút lõm lồng ngực

– Xuất hiện những cơn ho khan đầu tiên, sau dần tiến triển thành ho có đờm trắng đục rồi chuyển dần thành màu xanh hoặc vàng

– Da toàn thân trẻ xanh xao, nhợt nhạt do không cung cấp đủ oxy

– Trẻ bị nôn trớ, tiêu chảy

– Có dấu hiệu bỏ bú hoặc ăn ít hẳn đi

bệnh viêm phổi ở trẻ

Bệnh viêm phổi nếu để xảy ra biến chứng sẽ rất nguy hiểm

Đối với trẻ nhỏ, những dấu hiệu viêm phổi có thể nhận thấy là:

– Thở nhanh và thở rít, phát ra âm thanh khò khè mỗi khi hít thở

– Sốt cao

– Ho nhiều

– Ớn lạnh

– Bị nghẹt mũi

– Đau tức ngực

– Nôn nhiều

– Tiêu chảy

– Mệt mỏi, không muốn chạy chơi

– Bỏ ăn, ăn ít

Những dấu hiệu kể trên đều là những cách để bố mẹ có thể phát hiện sớm căn bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, cha mẹ có thể theo dõi thêm về nhịp thở của trẻ để có thể xác định trẻ bị viêm phổi hoặc không:

– Trẻ dưới 2 tháng có nhịp thở trên 60 lần mỗi phút

– Trẻ trên 2 tháng, dưới 12 tháng có nhịp thở trên 50 lần mỗi phút

– Trẻ trên 12 tháng và dưới 5 tuổi có nhịp thở trên 40 lần mỗi phút

Điều kiện để đếm nhịp thở trẻ là khi trẻ không quấy khóc, nằm im, tốt nhất là khi trẻ đang ngủ.

1.3. Những dấu hiệu cần cho trẻ nhập viện ngay

Khi nhận thấy những dấu hiệu viêm phổi sau đây, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để được xử trí kịp thời:

– Trẻ bị sốt cao không hạ được trong khoảng 2-3 ngày. Có thể sốt cao là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng khác, nhưng nếu đã sốt vài ngày không khỏi thì dù là bệnh gì cũng cần đưa trẻ đi viện.

– Lồng ngực bị co lõm là một dấu hiệu của viêm phổi nặng. Mỗi khi trẻ hít vào, phần xương sườn cuối sẽ lõm hẳn xuống

– Khi trẻ có biểu hiện của tím tái trên toàn bộ phần da cơ thể, chứng tỏ trẻ đang bị thiếu oxy rất nghiêm trọng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay.

– Một số những dấu hiệu khác như trẻ nôn ói nhiều, mệt mỏi li bì, đau ngực kèm khó thở

bệnh viêm phổi ở trẻ

Cha mẹ cần để ý nếu có những dấu hiệu nguy hiểm cần đưa trẻ đi khám

Nếu thấy con bạn có những dấu hiệu kể trên thì cần đưa trẻ đi viện gấp để được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời.

2. Những biến chứng vô cùng nguy hiểm khi trẻ bị viêm phổi

Viêm phổi có thể chuyển biến từ nhẹ đến nặng chứ không diễn ra đột ngột nhưng nếu cha mẹ không theo dõi, không để trẻ được điều trị kịp thời có thể xảy ra những biến chứng rất nguy hiểm như:

– Nhiễm trùng máu: Đây là một loại biến chứng vô cùng nguy hiểm, nặng có thể ảnh hưởng đến tính mạng trẻ, nhẹ hơn có thể khiến trẻ bị thương tật tại một số hệ cơ quan trên cơ thể.

– Tràn mủ ở màng phổi có thế khiến trẻ thở khó khăn, có khả năng bị kháng thuốc

– Viêm màng não làm tổn thương đến não vĩnh viễn, ảnh hưởng đến thần kinh cũng như tính mạng của trẻ.

– Suy hô hấp: Gây bệnh viêm phổi mạn tính, áp xe phổi, giảm miễn dịch

– Các biến chứng khác như viêm phúc mạc, viêm khớp….

Khi trẻ bị viêm phổi, cha mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ để bệnh không bị biến chứng và trẻ nhanh khỏi hơn:

– Khi trẻ sốt cao, thân nhiệt trên 38,5 độ thì cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo như chỉ dẫn của bác sĩ.

– Vỗ rung long đờm nhiều lần trong ngày kèm cho trẻ uống nhiều nước nhằm làm loãng đờm

– Không ép trẻ ăn quá nhiều nhưng vẫn cần đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ bằng cách chia nhỏ bữa ăn.

– Vệ sinh không gian sống xung quanh trẻ, tránh tình trạng bội nhiễm

– Tăng độ ẩm và không khí trong sạch trong phòng bằng các loại máy tạo ẩm và lọc không khí.

Trên đây là những thông tin về bệnh viêm phổi, hy vọng sau bài viết này, cha mẹ sẽ có thêm nhiều kiến thức để chăm sóc trẻ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital