Bị viêm túi mật được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Ở người bị sỏi mật, viên sỏi làm tắc ống dẫn mật, túi mật có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng. Tình trạng này còn được gọi là viêm túi mật. Khi bệnh trở nặng, người bệnh có thể sẽ phải cắt bỏ túi mật vĩnh viễn. Vậy bị viêm túi mật là gì? Bệnh viêm túi mật được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

1. Bị viêm túi mật là gì?

Túi mật trong cơ thể là một cơ quan nằm dưới gan. Nó đảm nhận chức năng tiêu hóa các chất béo và một số vitamin tan, đặc biệt là một số vitamin tan trong chất béo như A, D, K, E và caroten…

Bệnh viêm túi mật nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Viêm túi mật ở giai đoạn cấp tính hay mạn tính đều nguy hiểm. Trong đó ở giai đoạn cấp tính viêm túi mật được xếp vào một cấp cứu ngoại khoa và cần được can thiệp kịp thời.

2. Nguyên nhân bị viêm túi mật

Những nguyên nhân dẫn đến viêm túi mật được các chuyên gia xác định bao gồm:

2.1. Bị viêm túi mật do sỏi túi mật

Đây là nguyên nhân dẫn tới viêm túi mật chiếm đa số các ca mắc bệnh. Sỏi túi mật bị kẹt ở cổ túi mật gây tắc nghẽn. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào vị trí tổn thương. Sự hoạt động của vi khuẩn sẽ gây viêm túi mật.

Nguyên nhân dẫn đến bị viêm túi mật là do sỏi túi mật

Nguyên nhân dẫn đến viêm túi mật là do sỏi túi mật

2.2. Một số nguyên nhân khác không phải sỏi

Một số nguyên nhân khác dẫn đến viêm túi mật không do sỏi có thể kể đến như:

– Bị nhiễm trùng E.coli với đối tượng là phụ nữ mang thai.

– Có tiền sử bị thương hàn và nhiễm trùng huyết.

– Ung thư, gập góc, xơ hóa, tắc ống mật chủ gây tắc ống túi mật.

– Hẹp cơ nhú Vater, vòng Oddi.

– Chấn thương vùng túi mật.

3. Triệu chứng bệnh viêm túi mật

Viêm túi mật thường phải trải qua bốn cấp độ và giai đoạn. Triệu chứng điển hình của từng giai đoạn là:

– Giai đoạn 1: Túi mật bị sỏi xâm nhập, gây đau thượng vị. Ngoài ra nó còn kèm theo hiện tượng ói do phản xạ.

– Giai đoạn 2: Ở giai đoạn này sỏi bị kẹt ở cổ hoặc ống túi mật khiến cho dịch mật không thể thoát ra được. Điều này sẽ dẫn đến viêm vách túi mật. Triệu chứng lâm sàng đặc điểm là đau vùng hạ sườn phải, có thể lan ra sau lưng, cơn đau quặn. Có thể bệnh nhân sẽ sốt nhẹ và có phản ứng thành bụng ở hạ sườn phải. Khi thăm khám còn có hiện tượng đau ở dấu Murphy (+). Nếu phát hiện muộn hơn bệnh có thể chuyển sang dấu hiệu của viêm phúc mạc.

– Giai đoạn 3: Ống túi mật tiếp tục bị tắc nghẽn làm cho vi trùng phát triển mạnh hơn dẫn đến viêm phúc mạc ở bệnh nhân. Bệnh nhân nhiễm độc toàn thân, sốt cao, có phản ứng co cứng thành bụng, phản ứng dội ở hạ sườn phải.

– Giai đoạn 4: Sau 48 – 72 giờ túi mật bị thủng và bị tắc nghẽn. Bệnh nhân có thể xuất hiện các bệnh lý khác như đái tháo đường, viêm tắc động mạch, bệnh tạo keo thì túi mật có thể bị thủng từ sớm.

Người bị viêm túi mật thường hay bị đau ở vùng thượng vị

Người bệnh viêm túi mật thường hay bị đau ở vùng thượng vị

4. Các biện pháp chẩn đoán bị viêm túi mật

Để chẩn đoán nhanh chóng và chính xác bệnh viêm túi mật các bác sĩ cần thực hiện các xét nghiệm sau đây:

– Tiến hành xét nghiệm máu: Dựa vào kết quả, xem xét số lượng bạch cầu có tăng không, nhóm máu của bệnh nhân là gì?

– Sinh hóa máu: Các yếu tố đường máu, chức năng gan (bao gồm SGOT, Bilirubin, SGPT,TT, TP, GT), chức năng thận (bao gồm ure, creatinin) tăng. Đồng thời các yếu tố Protid, Albumin, A/G lại giảm. Amylase máu có thể tăng lên.

– Thực hiện siêu âm: Hình ảnh túi mật căng, vách túi mật dày hơn 3mm, đường kính ngang của túi mật lớn hơn 4cm. Đặc biệt là có xuất hiện dịch quanh túi mật.

– X quang ngực bụng và túi mật cản quang bằng đường uống: Giúp thấy được hình ảnh sỏi calci và để đánh giá chức năng túi mật

Chụp cắt lớp vi tính: Có chức năng chẩn đoán sỏi túi mật, viêm túi mật.

Chụp cộng hưởng từ: Để chẩn đoán vị trí giải phẫu. Đồng thời phương pháp này giúp nắm rõ hơn cấu trúc sỏi túi mật và dự đoán mật độ sỏi.

– Chụp nhấp nháy (Scintigraphie): Quá trình này để chẩn đoán viêm túi mật, sỏi túi mật, rối loạn vận động của túi mật, hẹp đường mật bẩm sinh…

5. Các biện pháp điều trị khi bị viêm túi mật

Các phương pháp điều trị viêm túi mật tùy thuộc vào từng giai đoạn và cấp độ bệnh. Cùng tìm hiểu các biện pháp cho từng giai đoạn cụ thể:

5.1. Điều trị nội khoa

Phương pháp điều trị này áp dụng cho người bị viêm túi mật giai đoạn 1 và 2:

– Trong gian đoạn điều trị bệnh nhân sẽ được chỉ định nhịn ăn và tiến hành đặt ống thông mũi dạ dày.

– Người bệnh được chỉ định truyền dịch.

– Chỉ định sử dụng thuốc ức chế phó giao cảm. Mục đích là để ức chế thần kinh X và những thuốc kháng tiết.

– Các bác sĩ sẽ theo dõi bệnh nhân dựa trên: nhiệt độ mỗi hai giờ, công thức bạch cầu mỗi sáu giờ, khám bụng mỗi hai đến ba giờ.

– Không sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị.

– Bệnh nhân khi hết đau sẽ được tiến hành phẫu thuật.

5.2. Điều trị ngoại khoa khi bị viêm túi mật

Phương pháp này được áp dụng với bệnh nhân ở giai đoạn 3 và 4. Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật và kèm theo việc sử dụng kháng sinh phổ rộng. Hiện nay có 2 phương pháp mổ chính được thực hiện:

– Mổ nội soi cắt túi mật: Là phương pháp được áp dụng nhiều hiện nay. Nó giúp rút ngắn thời gian điều trị, giảm đau sau mổ và an toàn. Nếu nghi ngờ sỏi ống mật chủ thì bác sĩ sẽ chụp X quang đường mật cản quang trong quá trình mổ.

– Một cách khác là dẫn lưu túi mật, sau đó phẫu thuật. Phác đồ này áp dụng với những ca bệnh già yếu, nhiễm độc nặng, suy kiệt nặng, có bệnh lý mạn tính. Bệnh nhân có kèm theo các bệnh lý như đái tháo đường, tim mạch, lao phổi cũng được chỉ định phương pháp này.

Bị viêm túi mật có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa

Viêm túi mật có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa

6. Phòng ngừa bị viêm túi mật

Để phòng tránh hiệu quả bệnh viêm túi mật, mỗi người cần phải tuân thủ những nguyên tắc sau trong sinh hoạt, dinh dưỡng:

– Duy trì chế độ ăn ít chất béo, thức ăn chế biến sẵn, không ăn đồ chiên. Đặc biệt là hạn chế thức ăn gây khó tiêu.

– Tích cực ăn các thực phẩm tốt cho sức khỏe dễ tiêu. Điển hình như dầu thực vật, thịt nạc, thịt trắng, chất xơ, rau xanh, sữa đậu nành, trái cây,…

– Luyện tập thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ sự lưu thông của đường mật.

– Đối với phụ nữ thì khi sử dụng thuốc ngừa thai càng cần phải lưu ý hơn.

– Tiến hành xổ giun định kỳ.

– Xây dựng thói quen ăn uống hợp vệ sinh.

Trên đây là các thông tin cơ bản về các triệu chứng, các chẩn đoán và điều trị khi bị viêm túi mật. Mặt khác bài viết cũng cung cấp cách phòng tránh các nguyên nhân dẫn đến bệnh. Hy vọng bạn đọc sẽ áp dụng đúng cách để phòng bệnh hiệu quả, an toàn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital