Bị u xơ khi mang thai có gây nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

U xơ tử cung là căn bệnh không hiếm gặp ở phụ nữ trong giai đoạn độ tuổi sinh nở. Nhiều chị em còn bị u xơ khi mang thai, vậy khi mang bầu mắc u xơ tử cung liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi không? Nên xử lý u xơ tử cung như thế nào để an toàn cho cả mẹ và bé?

1. U xơ tử cung và những điều cần biết về u xơ tử cung khi mang thai

1.1 Khái niệm về u xơ tử cung ở nữ giới

U xơ tử cung xuất hiện khi có sự tăng sinh ở vị trí lớp cơ trơn và mô liên kết tử cung, khiến cho các khối u dần hình thành ở các lớp cơ tử cung. U xơ tử cung được chia làm 3 nhóm gồm: nhóm u xơ trong cơ tử cung, nhóm u xơ dưới thanh mạc và nhóm u xơ dưới niêm mạc tử cung.

U xơ tử cung là bệnh lý thường xuyên gặp ở phụ nữ, nhất là những chị em đang ở trong độ tuổi sinh nở hoặc ở giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh.

Vị trí các nhóm u xơ tử cung

Vị trí các nhóm u xơ tử cung

Theo số liệu thống kê gần đây, tới 60% nữ giới bị u xơ tử cung ở độ tuổi 35 tuổi và có đến 80% phụ nữ tuổi 50 mắc u xơ tử cung. Tuy nhiên tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc u xơ tử cung khó thống kê hơn vì rất khó để phân biệt được sự dày lên của cơ tử cung khi mang thai với bệnh lý u xơ.

1.2 Nguyên nhân dẫn đến việc mắc u xơ tử cung trong thai kỳ

Hiện tại, việc lý giải vì sao bị u xơ khi mang thai vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nguyên nhân chính được cho là do sự gia tăng nồng độ hormone trong cơ thể người phụ nữ trong thai kỳ, dẫn đến sự hình thành và phát triển của các khối u xơ.

2. Dấu hiệu nhận biết mắc u xơ tử cung khi có thai

Những cảm giác khó chịu, phiền toái khi mắc u xơ tử cung sẽ phụ thuộc và vị trí, kích thước cũng như số lượng u xơ trong cơ thể. Theo bác sĩ chuyên khoa, nếu mẹ bầu gặp phải những dấu hiệu dưới đây thì có thể mẹ đã hoặc đang mắc u xơ tử cung.

2.1. Bị u xơ khi mang thai 3 tháng đầu

Đây là giai đoạn khối u xơ tử cung có tỉ lệ xuất hiện cao nhất. Bởi đây là lúc mà nội tiết tố của mẹ có sự xáo trộn mạnh, đặc biệt là sự gia tăng cao hormone Estrogen, đây cũng là hormon cần thiết để nuôi dưỡng và phát triển khối u xơ.

Nếu u xơ tử cung xuất hiện ở giai đoạn đầu thai kỳ, mẹ có thể cảm nhận những cơn đau bụng hoặc xuất huyết bất thường, hoặc có thể cả 2 triệu chứng này.

2.2 Bị u xơ khi mang thai 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ

Ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai, tử cung của người mẹ cần được mở rộng để em bé có thể phát triển lớn hơn, điều này khiến cho u xơ tử cung bị chèn ép, từ đó mẹ có thể gặp 1 số triệu chứng như:

– Đau quặn vùng bụng: Khi khối u bị chèn ép, vùng bụng của mẹ sẽ bị đau quặn. Đặc biệt nguy hiểm nếu như kích thước khối u có kích thước lớn nhưng không được cung cấp đủ lượng máu để phát triển, mẹ sẽ phải đối mặt với những cơn đau bụng dữ dội và làm tăng nguy cơ sảy thai.

Bị u xơ khi mang thai ở tam cá nguyệt thứ 2 sẽ khiến mẹ gặp nhiều cảm giác đau ở vùng bụng, làm tăng nguy cơ sảy thai

Bị u xơ khi mang thai ở tam cá nguyệt thứ 2 sẽ khiến mẹ gặp nhiều cảm giác đau ở vùng bụng, làm tăng nguy cơ sảy thai

– Rau bong non: U xơ tử cung có thể là nguyên nhân khiến nhau thai bị bong non mặc dù chưa đến ngày sinh nở. Lúc này thai nhi sẽ không nhận được máu từ mẹ, đồng thời mẹ cũng có nguy cơ mất máu. Vì vậy rau bong non là dấu hiệu nguy hiểm có thể đe doạn đến tính mạng của cả 2 mẹ con.

– Sinh non: Theo ý kiến của các chuyên gia, việc mẹ mắc u xơ tử cung trong quá trình mang bầu sẽ làm gia tăng nguy cơ sinh non (sinh trước 37 tuần) so với các mẹ bầu không mắc u xơ.

2.3 Bị u xơ ở giai đoạn chuyển dạ

Một vài thống kê gần đây cho thấy, tỉ lệ mẹ bầu mắc u xơ tử cung được chỉ định sinh mổ cao gấp 5 lần so với những mẹ bầu mạnh khỏe. Lý do là nếu chuyển dạ bằng cách sinh thường, khối u xơ sẽ khiến cho khả năng co bóp của tử cung kém đi, gây khó khăn trong quá trình chuyển dạ. Bên cạnh đó, một số vị trí khối u có thể gây tắc ống sinh, làm cản trở quá trình sinh nở.

3. Mắc u xơ tử cung trong thai kỳ có nguy hiểm không?

Để đánh giá mức độ nguy hiểm của việc mắc u xơ tử cung khi mang thai còn phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng khối u xơ và phải qua các thao tác siêu âm cũng như chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa. Dưới đây là một số nguy cơ mà mẹ bầu có thể phải đối mặt khi bị u xơ tử cung:

– U xơ tử cung có thể khiến mẹ bị sảy thai:

U xơ tử cung có thể là nguyên nhân khiến mẹ bị sảy thai liên tiếp do lớp nội mạc tử cung mỏng, buồng tử cung bị chèn ép. Kết quả thống kê cho thấy thai phụ bị u xơ có nguy cơ sảy thai trong tam cá nguyệt đầu tiên cao hơn so với thai phụ không có u cơ. Đặc biệt khi có nhiều khối u xơ, hoặc kích thước khối u ngày càng lớn thì nguy cơ sảy thai càng cao.

– U xơ tử cung có thế dẫn đến băng huyết sau sinh:

U xơ tử cung làm ảnh hưởng đến khả năng co bóp của tử cung, mà sau sinh việc co bóp của tử cung đặc biệt quan trọng vì có liên quan đến khả năng cầm máu sau sinh. Vì vậy ngay sau sinh, sản phụ cần phải được theo dõi sát sao để phát hiện sớm nếu như có tình trạng băng huyết.

– U xơ tử cung gây nhiễm khuẩn sau sinh:

Sau khi sinh con, nhiều sản phụ có nguy cơ bị bế sản dịch hoặc nhiễm khuẩn sau sinh. Nhiều trường hợp sản phụ không được điều trị kịp thời hoàn toàn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

– U xơ tử cung gây biến chứng thai nhi

Em bé có người mẹ bị u xơ tử cung sẽ có nguy cơ chậm phát triển hoặc suy dinh dưỡng do máu từ mẹ phải chia 1 phần để nuôi u xơ.

4. Phương pháp điều trị u xơ tử cung khi mang thai để an toàn cho mẹ và con

Theo ý kiến của bác sĩ Nguyễn Văn Hà – Trưởng khoa Phụ sản Hệ thống Y Tế Thu Cúc TCI cho biết: Giải pháp để điều trị u xơ tử cung còn dựa trên từng trường hợp cụ thể như vị trí, số lượng, kích thước mức độ thể hiện triệu chứng do u xơ gây ra. Thông thường với mẹ bầu bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa bằng biện pháp dùng Progesterone để hạn chế cơn co thắt tử cung do khối u xơ gây ra, đồng thời giảm khả năng sinh sôi và phát triển của khối u.

 Điều trị u xơ tử cung khi có thai cần phải có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

Điều trị u xơ tử cung khi có thai cần phải có sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

Khi sinh em bé, nhiều mẹ được chỉ định mổ lấy thai do u xơ tiền đạo, ngôi ngược, vết sẹo mổ cũ…Tùy từng trường hợp và nhiều yếu tố mà bác sĩ sẽ quyết định xử trí u xơ theo cách khác nhau, có thể xử lý luôn u xơ nhưng cũng có thể chỉ định loại bỏ u xơ sau sinh từ 6 – 12 tháng.

Phương án tối ưu thường được chọn đó là chờ sau sinh từ 6 – 12 tháng để tiến hành loại bỏ u xơ. Với sản phụ không có nhu cầu sinh con, bác sĩ có thể tư vấn cắt bỏ tử cung để điều trị triệt để, không để u xơ có nguy cơ tái phát.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp chị em nhận biết được mức độ nguy hiểm của việc bị u xơ tử cung khi mang thai. Vì vậy, ngay từ lúc có ý định mang thai, chị em nên đi kiểm tra tổng quát sức khỏe sinh sản định kỳ từ trước đó để tầm soát được nguy cơ mắc u xơ tử cung, cũng như có chế độ sinh hoạt điều độ và lành mạnh trước và trong thời kỳ mang bầu. Chúc các chị em sẽ có một thai kỳ mạnh khỏe và an toàn. Mọi thông tin cần tư vấn, quý khách hàng vui lòng liên hệ tới tổng đài của Thu Cúc TCI để được phản hồi và giải đáp nhanh nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital