Bệnh thiếu máu cơ tim và nguy cơ biến chứng

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Bệnh thiếu máu cơ tim tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng và gây biến chứng. Cùng tìm hiểu về căn bệnh này và những biến chứng mà người bệnh có thể gặp phải qua bài viết sau đây.  

1. Thiếu máu cơ tim là bệnh gì? 

Thiếu máu cơ tim là tình trạng cơ tim – bộ phận chính tạo nên sự co bóp của tim – bị thiếu máu và oxy nuôi dưỡng. Điều này khiến tim không thể co bóp bình thường và thực hiện tốt các chức năng vốn có của nó. 

Tình trạng cơ tim thiếu máu xuất phát từ sự tắc nghẽn một phần hoặc toàn phần động mạch vành – mạch máu chịu trách nhiệm nuôi dưỡng cơ tim. Nguyên nhân thường do sự xuất hiện của các mảng xơ vữa, cục máu đông hoặc tình trạng mạch vành co thắt.

Khi người bệnh hoạt động gắng sức hoặc phấn khích tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn.

Thiếu máu cơ tim là bệnh gì?

Thiếu máu cơ tim là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi dưỡng

2. Bệnh thiếu máu cơ tim có thể gây biến chứng gì?

Theo WHO, trong các bệnh lý cơ tim, thiếu máu cơ tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm đến 40% tổng các trường hợp tử vong trên toàn cầu. Nguyên nhân là do nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân thiếu máu cơ tim phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như:

2.1 Nhồi máu cơ tim – Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh thiếu máu cơ tim

Ở bệnh nhân thiếu máu cơ tim, tình trạng dòng máu lưu thông kém trong thời gian dài hoặc tắc nghẽn đột ngột sẽ gây thiếu hụt nghiêm trọng lượng oxy cần để nuôi dưỡng cơ tim. Phần cơ tim không được nuôi dưỡng có thể hoại tử một phần hoặc toàn bộ, dẫn đến nhồi máu cơ tim. Những người bệnh gặp biến chứng này có nguy cơ tử vong cao nhất. Khả năng sống sót, hồi phục của người bệnh nhanh hay chậm tùy thuộc vào mức độ tổn thương của cơ tim và khả năng cấp cứu. 

2.2 Rối loạn nhịp tim ở bệnh nhân thiếu máu cơ tim

Tình trạng cơ tim thiếu máu trong thời gian dài có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động điện tim, khiến nhịp tim bất thường. Nguy hiểm nhất là rung thất. Những cơn rung thất ngay sau cơn thiếu máu thường báo trước cơn nhồi máu cơ tim cấp.

2.3 Suy tim là biến chứng của bệnh thiếu máu cơ tim kéo dài

Thiếu máu cơ tim kéo dài có thể hủy hoại dần cơ tim, làm giảm khả năng co bóp và bơm máu đến các cơ quan trọng cơ thể. Điều này thúc đẩy tim phải hoạt động nhiều hơn để bù lại lượng máu thiếu hụt, khiến tim trở nên ngày càng suy yếu, ngày càng bơm máu kém hiệu quả. Người bệnh suy tim có thể xuất hiện các triệu chứng từ đơn giản đến nghiêm trọng như mệt mỏi, ho, khó thở, đau thắt ngực…

Những người mắc bệnh này trong thời gian dài còn có thể gặp những cơn đau thắt ngực mạn tính cùng tình trạng hạn chế hoạt động thể lực.

Bệnh thiếu máu cơ tim có thể gây biến chứng gì?

Nhồi máu cơ tim là biến chứng nguy hiểm nhất của thiếu máu cơ tim.

3. Triệu chứng của bệnh

Khi cơ tim thiếu máu ở mức độ nhẹ, tim và cơ thể vẫn có thể hoạt động bình thường nhờ các cơ chế bù trừ lượng máu thiếu hụt. Lúc này bệnh nhân có thể không biểu hiện triệu chứng và các triệu chứng nếu có cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến người bệnh. Nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tình trạng thiếu máu có thể trở nên trầm trọng hơn. Khi đó các triệu chứng có thể xuất hiện và biểu hiện ngày càng rõ rệt.

3.1 Triệu chứng điển hình

Điển hình nhất của thiếu máu cơ tim là tình trạng đau thắt ngực. Đó là những cơn đau, tức ở ngực trái hoặc giữa ngực. Đau có thể lan lên cổ, vai, hàm, dọc cánh tay hoặc ra sau lưng. Có 2 dạng đau thắt ngực chính là:

– Đau xảy ra khi gắng sức, giảm/biến mất khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch, được gọi là đau thắt ngực ổn định. 

– Đau xảy ra khi không gắng sức, không giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch, được gọi là đau thắt ngực không ổn định. 

3.2 Triệu chứng khác

Bên cạnh đó, người bệnh thiếu máu ở tim có thể xuất hiện các triệu chứng như:

Tim đập nhanh

– Khó thở, đặc biệt khi tập luyện, hoạt động thể chất mạnh

– Buồn nôn và nôn

– Đổ mồ hôi, có thể là mồ hôi lạnh

– Mệt mỏi, có trường hợp cảm thấy như kiệt sức

– Da sần sùi

Khi thấy các dấu hiệu này, đặc biệt là các cơn đau thắt ngực xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc không thuyên giảm khi dùng thuốc giãn mạch, kéo dài trên 15 phút thì nên đưa người bệnh đi cấp cứu ngay. Bởi đó có thể dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim. 

4. Cách kiểm soát tình trạng tim thiếu máu

Thiếu máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể kiểm soát khi bệnh còn ở mức độ nhẹ. Các biện pháp kiểm soát nhằm cải thiện các triệu chứng và ngăn chặn các biến chứng của bệnh bao gồm: 

4.1 Xây dựng lối sống lành mạnh

Một số lời khuyên từ các chuyên gia tim mạch cho các bệnh nhân để xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với lối sống tích cực gồm:

– Không sử dụng các chất kích thích gây bất lợi cho tim mạch và sức khỏe, điển hình như rượu bia, thuốc lá, cafe

– Giảm lượng muối tiêu thụ, hạn chế chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn

– Bổ sung ngũ cốc và các loại rau củ quả để tăng cường chất xơ

– Tăng cường vận động, chú ý lựa chọn những bài tập phù hợp và kiên trì tập đều đặn

Cải thiện tình trạng cơ tim thiếu máu

Ăn uống lành mạnh có thể giúp cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim

4.2 Sử dụng các loại thuốc hỗ trợ điều trị

Đối với trường hợp nặng, các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng một hoặc một số loại thuốc điều trị sau: nhóm Statin, nhóm chống huyết khối, thuốc giãn mạch, thuốc hạ đường huyết, nhóm thuốc chẹn kênh beta…

Bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc do bác sĩ chỉ định. Nếu muốn thay đổi loại thuốc hay tăng giảm liều lượng, không nên tự ý mà cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.

Nếu các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả, bệnh nặng thêm hoặc biến chứng, bệnh nhân có thể sẽ được chỉ định phẫu thuật giúp tái thông mạch vành. 

Trên đây là những thông tin về bệnh thiếu máu cơ tim, những nguy cơ và cách cải thiện bệnh, hi vọng đã giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh này. Duy trì việc thăm khám định kỳ chuyên khoa Tim mạch sẽ giúp dự phòng các yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh này hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital