Bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh là nỗi lo lắng của rất nhiều bố mẹ. Tuy nhiên, không phải ông bố, bà mẹ nào cũng nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị của căn bệnh này. Vì vậy, trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ với bố mẹ tất cả những kiến thức cơ bản liên quan tới bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ.

1. Đôi nét về bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh

Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ có thể xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát nhiều nhất là vào mùa hè, nhất là tháng 4 – 6 và tháng 10 – 12. Thông thường, căn bệnh này thường xuất hiện nhiều ở những nơi đông đúc dân cư và điều kiện vệ sinh kém.

Tùy vào sức đề kháng và khả năng phục hồi của từng trẻ sơ sinh, bệnh tay chân miệng có thể kéo dài 1 tuần hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, nếu bố mẹ không chăm sóc tốt thì trẻ có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm như bại liệt, viêm màng não, thậm chí là tử vong.

Bệnh tay chân miệng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh

Bệnh tay chân miệng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh

2. Nguyên nhân của bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ đến từ đâu?

Bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ là căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Đây là những loại virus sống trong đường tiêu hóa và có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc thông thường. Trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc phải bệnh này nếu tiếp xúc trực tiếp với chất dịch từ phân, nốt phỏng, chất nôn hoặc dịch tiết đường hô hấp của người bệnh.

3. Biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở các bé sơ sinh

Biểu hiện rõ ràng nhất của bệnh tay chân miệng ở các bé sơ sinh là những vết phỏng rộp trên da. Tuy nhiên, trước khi những nốt phỏng nước xuất hiện, trẻ sơ sinh cũng có thể bị sốt, đau họng và đau bụng. Sau đó khoảng một vài ngày, bố mẹ sẽ thấy cơ thể con xuất hiện những triệu chứng sau:

– Miệng có những đốm đỏ ở bên trong và trên lưỡi. Những đốm đỏ này sẽ dần chuyển thành mụn nước với kích thước lớn hơn và màu vàng xám có viền đỏ.

– Tay và chân nổi những đốm nhỏ màu đỏ và chúng có thể khiến trẻ cảm thấy ngứa ngứa, đau rát. Sau một vài ngày, những đốm nhỏ này sẽ chuyển thành mụn nước và có màu xám ở giữa.

Về cơ bản, các vết mụn nước ở tay chân miệng của trẻ sơ sinh trông giống như nốt phát ban màu đỏ phồng to và đôi khi còn lan ra mông và bẹn của bé. Những bé mắc bệnh này có thể chán ăn hoặc bỏ bú vì những vết mụn nước trong miệng khiến trẻ cảm thấy khó chịu.

Khi bị tay chân miệng, da bé sẽ nổi nốt phồng như mụn nước

Khi bị tay chân miệng, da bé sẽ nổi nốt phồng như mụn nước

4. Cách điều trị tay chân miệng ở trẻ sơ sinh hiệu quả

4.1. Với những trẻ sơ sinh bị đau khi bú hoặc uống sữa công thức

Cách điều trị tốt nhất là bố mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn của con và tăng tần suất ăn nhiều hơn. Lúc này, mẹ vẫn nên cho con bú vì những nốt miệng nước ở miệng của trẻ không lây qua núm vú và khiến mẹ mắc bệnh tay chân miệng. Còn với những trẻ sơ sinh uống sữa công thức, bố mẹ nên bổ sung thêm nước cho con.

4.2. Với những trẻ ăn dặm

Với những trẻ ăn dặm bị bệnh tay chân miệng, bố mẹ nên cho con ăn thức ăn mềm như súp hoặc khoai tây nghiền. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng không nên cho con uống nước ép có vị chua và thực phẩm cay nóng vì có thể làm tăng cơn đau miệng. Ngoài ra, mẹ nên để thức ăn nguội hoàn toàn trước khi cho con ăn để tránh làm trẻ đau miệng.

4.3. Sử dụng gel bôi giảm đau

Bố mẹ có thể sử dụng gel bôi giảm đau để làm dịu các cơn đau do mụn nước trong miệng trẻ sau khi tham khảo ý kiến của bác sĩ. Lúc này, bố mẹ hãy xoa một ít gel vào những vị trí có vết loét trên lưỡi, nướu và trong má của con.

Để điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ, bố mẹ có thể dùng gel bôi giảm đau theo chỉ định của bác sĩ

Để điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh, bố mẹ có thể dùng gel bôi giảm đau theo chỉ định của bác sĩ

4.4. Tắm rửa nhẹ nhàng cho con

Khi tắm cho trẻ sơ sinh bị tay chân miệng, bố mẹ nên tắm rửa nhẹ nhàng cho con vì những vùng da bị phỏng có thể rất đau. Lưu ý là bố mẹ không được làm vỡ bất kỳ mụn nước nào của con để tránh dịch lỏng rò rỉ ra ngoài gây nhiễm trùng.

Hy vọng bài viết của chúng tôi trên đây đã giúp các bố mẹ hiểu rõ hơn về căn bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ. Tốt nhất, ngay khi trẻ có biểu hiện của bệnh tay chân miệng, bố mẹ nên nhanh chóng đưa con tới bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa Nhi thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất, giúp bé mau khỏi bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital