Bệnh nhồi máu cơ tim điều trị như thế nào?

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Nhồi máu cơ tim là biến cố tim mạch không thể xem thường, là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trong các bệnh lý tim mạch. Vì vậy, việc cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim là vô cùng quan trọng. Cùng theo dõi bài viết sau đây để bệnh nhồi máu cơ tim điều trị như thế nào nhé!

1. Sự nguy hiểm của nhồi máu cơ tim 

Nhồi máu cơ tim là tình trạng cấp tính xảy ra khi có sự tắc nghẽn hoàn toàn mạch máu đến nuôi cơ tim, khiến cơ tim hoại tử. Đây là bệnh lý nguy hiểm bởi tỷ lệ tử vong cao, chiếm tới 73% các bệnh lý tim mạch. Trên thế giới, số người tử vong vì nhồi máu cơ tim mỗi năm lên tới 7 triệu người. Bệnh lý tim mạch do nhồi máu cơ tim cấp, hội chứng vành cấp có thể gây tử vong ngay trong vòng vài giờ đầu, tỉ lệ lên tới 50%. Tỉ lệ tử vong trong 4 tuần lễ đầu vào khoảng 30 – 40% tùy quốc gia.

Chỉ khoảng 3 thập kỷ trước bệnh nhồi máu cơ tim còn hiếm gặp nhưng hiện nay đã trở nên phổ biến ở mọi cơ sở y tế.  Ở nước ta, tỉ lệ người bị nhồi máu cơ tim tăng vọt trong những năm gần đây, trung bình tăng 15-20% mỗi năm. Đặc biệt, bệnh có thể xảy ra đột ngột ngay cả khi người bệnh đang ngủ, vui chơi hay làm việc. 

Người bệnh nhồi máu cơ tim dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời, tỉ lệ tử von vì bệnh này chiếm đến 73% các bệnh lý tim mạch.

Người bệnh nhồi máu cơ tim dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời, tỉ lệ tử von vì bệnh này chiếm đến 73% các bệnh lý tim mạch.

Nếu được cấp cứu thoát khỏi tử vong người bệnh vẫn phải đối mặt với nguy cơ gặp phải các biến chứng.

– Biến chứng gần: đột tử, vỡ tim, rối loạn nhịp tim, tai biến mạch máu não, suy tim cấp…

– Biến chứng xa: vách tim to, hội chứng bả vai – bàn tay, đau dây thần kinh,…

2. Các nguyên tắc cơ bản trong điều trị nhồi máu cơ tim

Để giảm thiểu những nguy hiểm do nhồi máu cơ tim gây ra, việc điều trị phải được tiến hành theo nguyên tắc:

– Cấp cứu nhanh: Nên cấp cứu bệnh nhân càng sớm càng tốt, ngay những giờ đầu để ngăn vùng cơ tim hoại tử lan rộng. Chậm nhất là trong 6 giờ sau khi phát bệnh. Càng cấp cứu sớm và hiệu quả, cơ hội sống sót và phục hồi của người bệnh càng cao.

– Cải thiện lưu lượng máu mạch vành: Sử dụng thuốc hoặc các biện pháp can thiệp để tái tưới máu cho cơ tim.

– Giảm mức tiêu thụ oxy của cơ tim: Nhằm giảm áp lực cho tim.

– Điều trị dự phòng: ngăn ngừa biến chứng và nhồi máu cơ tim tái phát.

3. Điều trị nhồi máu cơ tim cấp cứu

3.1 Bị nhồi máu cơ tim điều trị ban đầu như thế nào?

Khi thấy bệnh nhân có các triệu chứng như đau ngực trên, khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, vã mồ hôi,…hãy nghĩ đến nhồi máu cơ tim và khẩn trương chuyển ngay đến những cơ sở có thể điều trị tái tưới máu để được xử trí kịp thời.

Khi đưa tới bệnh viện, bệnh nhân phải được bất động tại giường và thực hiện các biện pháp điều trị ban đầu gồm:

– Thở oxy

Vì nhồi máu cơ tim cấp thường kèm theo thiếu oxy nên người bệnh sẽ được thở oxy để giảm tình trạng khó thở. Nếu bệnh nhân bị suy hô hấp nặng thì có thể được đặt nội khí quản và cho thở máy phù hợp.

– Thuốc giảm đau

Morphin là thuốc được lựa chọn hàng đầu trong giảm đau cho các bệnh nhân nhồi máu cơ tim. Liều dùng morphin tùy theo tình trạng của bệnh nhân. Khi dùng thuốc này, cần chú ý theo dõi nhịp thở và nhịp tim.

– Nitroglycerin

Đây là loại thuốc giãn mạch giúp giảm cơn đau ngực. Thuốc thường được cho bệnh nhân dùng bằng ngậm dưới lưỡi. Nếu sau 5 phút vẫn còn đau, có thể uống nhắc lại. Sau đó tiến hành tiêm thuốc theo đường truyền tĩnh mạch và truyền Nitroglycerin. Lưu ý không dùng Nitroglycerin nếu huyết áp tụt hay bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thất phải.

– Thuốc chống tập kết tiểu cầu

Thường là Aspirin dạng uống hoặc truyền tiêm tĩnh mạch. Nếu bệnh nhân bị loét dạ dày tá tràng tiến triển thì có thể thay bằng Ticlopidine hoặc Clopidogrel (Plavix) với liều thích hợp.

– Thuốc chống đông

Thường sử dụng Heparin bằng cách tiêm tĩnh mạch.

– Thuốc chẹn beta giao cảm

Có thể dùng Metoprolol tiêm tĩnh mạch, Atenolol, Esmolol. Lưu ý không dùng Atenolol, Esmolol khi bệnh nhân có dấu hiệu suy tim nặng, nhịp tim chậm, huyết áp tâm thu <90 mmHg, block nhĩ thất độ cao, mắc bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh mạch ngoại vi nặng.

Nhồi máu cơ tim điều trị ra sao?

Điều trị cấp cứu ban đầu rất quan trọng đối với những bệnh nhân nhồi máu cơ tim.

2.2 Nhồi máu cơ tim điều trị tái tưới máu khi nào?

Tùy theo loại nhồi máu cơ tim và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp tái tưới máu phù hợp gồm:

– Phương pháp can thiệp mạch vành qua da (nong, đặt stent)

Thông thường đối với nhồi máu cơ tim ST chênh lên, phương pháp điều trị là thuốc tiêu sợi huyết, can thiệp qua da.

Can thiệp mạch vành sẽ được chỉ định khi bệnh nhân đã dùng thuốc tiêu huyết khối nhưng vẫn còn đau ngực, các triệu chứng lâm sàng không ổn, đoạn ST vẫn chênh lên trên điện tâm đồ

Khi can thiệp động mạch vành, một số loại thuốc như Aspirin, thuốc ức chế thụ thể GP IIb/IIIa có thể được sử dụng phối hợp nhằm chống ngưng kết tiểu cầu, giúp giảm đáng kể tỉ lệ tai biến hoặc tắc mạch sau can thiệp. 

Heparin cũng là một loại thuốc cần thiết trong khi can thiệp. Nếu can thiệp thành công có thể xem xét dừng Heparin sau can thiệp.

– Phương pháp phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ – vành thường được chỉ định trong các trường hợp:

+ Bệnh nhân đau ngực tái phát sau dùng thuốc tiêu huyết khối

+ Động mạch vành tổn thương nhiều thân, tổn thương thân chung, tổn thương phức tạp…  không thích hợp cho can thiệp

+ Can thiệp mạch vành thất bại, bệnh nhân gặp các biến chứng cơ học

3. Điều trị dự phòng nhồi máu cơ tim tái phát

Để tránh biến chứng sau nhồi máu cơ tim và phòng ngừa tái phát nhồi máu cơ tim cấp, người bệnhcần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau:

3.1 Đảm bảo dinh dưỡng

Bệnh nhân cần được bổ sung các loại hải sản: cá, tôm, sò biển…, tăng sử dụng rau xanh, các thực phẩm chất xơ, hoa quả tươi,…

Ăn các loại cháo loãng, cháo hầm, các sản phẩm từ sữa chua, canh, súp, nước ép rau củ, đồ luộc, hấp, đồng thời hạn chế các món ăn chiên, rán nhiều dầu mỡ.

Sau cấp cứu, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống, tập luyện để nhanh phục hồi, tránh biến chứng và tái phát.

Sau cấp cứu, người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống, tập luyện để nhanh phục hồi, tránh biến chứng và tái phát.

3.2 Hoạt động thể lực vừa sức

Dựa vào tình trạng thực tế của bản thân và sự tư vấn của bác sĩ, bạn có thể lựa chọn cách thức và cường độ tập luyện phù hợp. Thông thường là các bài tập nhẹ ở mức độ mà cơ thể thấy dễ chịu.

3.3 Thay đổi lối sống

Bên cạnh việc quan tâm đến dinh dưỡng và tập luyện, bạn cũng cần quan tâm đến thói quen sinh hoạt của mình. Hãy luôn giữ tinh thần lạc quan, tích cực, ăn ngủ đúng giờ, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.  

Bạn cũng cần theo dõi thường xuyên các chỉ số huyết áp, mỡ máu của mình bằng các thiết bị tại nhà hoặc đi khám định kỳ.

Có thể thấy việc điều trị nhồi máu cơ tim không chỉ là cứu sống bệnh nhân tại thời điểm đó mà còn là quá trình kiên trì sau khi cấp cứu. Hi vọng qua bài viết này bạn đã biết nhồi máu cơ tim điều trị như thế nào và biết cách điều chỉnh cuộc sống để hạn chế những tác động của căn bệnh này. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital