Bé bị viêm họng cấp: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm họng cấp là tình trạng nhiễm trùng họng xảy ra phổ biến ở trẻ em. Đây được coi là bệnh lành tính, do vậy cha mẹ không cần quá lo lắng khi thấy bé bị viêm họng cấp. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp tác nhân gây bệnh phát triển nhanh, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.

1. Viêm họng cấp ở trẻ em là gì?

Viêm họng cấp là bệnh nhiễm trùng vùng niêm mạc và dưới niêm mạc ở họng. Đây là một trong những bệnh trẻ em mắc phải nhiều nhất. Bệnh gây tình trạng sưng, đau họng, sốt cao khiến bé quấy khóc, bỏ ăn. Hầu hết các trường hợp viêm họng cấp là lành tính, có thể khỏi trong thời gian ngắn.

triệu chứng bé bị viêm họng cấp

Viêm họng cấp là bệnh phổ biến ở trẻ em do vi khuẩn hoặc virus gây ra

Viêm họng cấp do nhiều tác nhân gây ra. Do đó, điều quan trọng nhất trong chẩn đoán viêm họng cấp là xác định rõ nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp, tránh sử dụng thuốc không cần thiết gây tác dụng phụ không mong muốn với sức khỏe của bé. Theo đó, nếu bệnh do virus gây ra thì việc sử dụng kháng sinh là vô ích; còn nếu bệnh do vi khuẩn gây ra thì kháng sinh là biện pháp điều trị hiệu quả nhất.

Viêm họng cấp có thể đi kèm với viêm amidan khẩu cái, viêm xoang, viêm mũi, viêm amidan đáy miệng, cảm cúm, sởi… Vì thế, bệnh này còn có tên gọi khác là viêm họng – amidan cấp. Bệnh chủ yếu xảy ra với trẻ em, đặc biệt vào mùa đông và khi thời tiết thay đổi.

Bệnh thường xảy ra ở trẻ em trên 3 tuổi đến đầu tiểu học. Thời gian từ khi nhiễm virus, vi khuẩn tới khi xuất hiện triệu chứng bệnh từ 2 – 5 ngày. Con đường lây nhiễm bệnh thông qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp với dịch hô hấp của người bệnh như nước bọt, nước mũi…

2. Nguyên nhân trẻ bị viêm họng cấp

Viêm họng cấp thường do 3 tác nhân chủ yếu gây ra gồm vi khuẩn, virus và nhiễm khuẩn do môi trường ô nhiễm.

2.1. Viêm họng cấp trẻ em do vi khuẩn

Bé bị viêm họng cấp chủ yếu do song cầu khuẩn nhóm A (GABHS) gây ra. Có tới 37% trẻ dưới 5 tuổi nhiễm viêm họng cấp do nguyên nhân này. Ngoài ra, viêm họng cấp trẻ em còn gây ra bởi một số loại vi khuẩn khác như sau:

– Liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus): Khi nhiễm bệnh, trẻ sẽ bị sốt cao, nổi hạch, amidan cũng sưng to. Bệnh có thể dẫn tới các bệnh về tim mạch sau này.

– Bạch hầu (Corynebacterium diphtheria): Đây là vi khuẩn gây bệnh bạch hầu và viêm họng nghiêm trọng. Chúng gây tắc nghẽn đường thở bởi các giả mạc trắng, gây suy hô hấp. Cha mẹ có thể cho bé đi tiêm vắc-xin phòng bạch hầu.

– Một số ít trường hợp gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus nhóm C, Chlamydia, lậu cầu, C. pneumoniae,  M. pneumoniae và các loài vi khuẩn kỵ khí khác.

2.2. Viêm họng cấp do virus

Rhinovirus, Coronavirus, Adenovirus, virus Epstein Barr (EBV), virus Cúm và Parainfluenza là các loại virus gây viêm họng cấp ở trẻ em phổ biến nhất. Trong đó, số ca bệnh do Rhinovirus, Coronavirus và Adenovirus chiếm phần lớn tổng số trường hợp mắc bệnh.

– Rhinovirus là virus gây bệnh cảm lạnh ở người, cao nhất ở trẻ em, thuộc họ Picornavirus, nhiệt độ phát triển tốt nhất trong khoảng 33 – 37 độ C. Nó có thể dẫn tới biến chứng viêm phổi.

– Adenovirus thuộc họ Adenoviridae, là virus chủ yếu gây ra các vấn đề về hô hấp cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Viêm họng cấp do nhiễm Adenovirus gây đau đầu, ho, sưng hạch cổ, đau họng nhưng không đỏ. Ngoài viêm họng cấp, virus này còn gây viêm họng kết mạc, viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi.

– Không chỉ gây viêm họng cấp, Coronavirus còn gây các vấn đề nghiêm trọng về đường hô hấp, trong đó phải để đến hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS). Loại virus này có thể xâm nhiễm từ động vật sang người, có nhiều biến chứng nguy hiểm.

– Epstein Barr: Đây là virus gây bệnh bạch cầu ở trẻ em, kèm theo đó là viêm họng cấp, hạch cổ sưng to, sốt, đau đầu. Bệnh có thể dẫn tới ung thư vòm họng, U lympho Burkitt, U lympho Hodgkin, ung thư dạ dày..

2.3. Viêm họng cấp do môi trường ô nhiễm

bé bị viêm họng cấp do tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá

Khói thuốc là một trong những nguyên nhân gây viêm họng cấp ở trẻ em

Nếu bé sống trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc, xăng dầu, ẩm mốc kéo dài sẽ gây nhiễm trùng đường hô hấp dẫn tới nhiều chứng bệnh hô hấp khác nhau, trong đó có viêm họng cấp. Ngoài ra, một số trẻ mẫn cảm, cơ địa dị ứng cũng dễ mắc viêm họng cấp hơn những trẻ khác.

3. Triệu chứng viêm họng cấp ở trẻ em

Các triệu chứng lâm sàng của viêm họng cấp trẻ em gồm sốt cao đột ngột, đau rát họng, họng sưng đỏ, amidan sưng to và phủ lớp dịch tiết màu vàng, có thể xuất hiện chấm xuất huyết trên vòm miệng và thành sau hầu. Bên cạnh đó, một số trường hợp có thể kèm theo đau đầu, nôn mửa, đau bụng thường xuyên.

Trẻ bị viêm họng cấp có thể sốt cao lên tới 39 – 40 độ C, thường gặp ở trẻ nhỏ. Đi kèm với sốt là cơ thể ớn lạnh, đau đầu, chán ăn, đau mỏi toàn thân, có thể xuất hiện hạch ở góc hàm, hạch có thể di chuyển, sờ thấy đau.

Tùy theo tình trạng bệnh mà mức độ đau họng khác nhau. Có thể chỉ đau họng khi nuốt thức ăn, khi uống nước hoặc có thể sưng đau ngay cả khi nói chuyện, một số trường hợp bé có thể cảm giác cơn đau họng lan tới bên trong tai.

Bé bị viêm họng cấp có kèm theo ho khan, ho từng cơn, sau đó ho có đờm, ngạt mũi hay sổ mũi. Tiếng nói có thể khàn nhẹ, sau đó tình trạng ngày càng nặng và có thể mất tiếng.

4. Bé bị viêm họng cấp có nguy hiểm không?

Viêm họng cấp là bệnh lành tính, khi được điều trị bé có thể khỏi sau 3 – 5 ngày. Trường hợp xảy ra bội nhiễm, thời gian có thể kéo dài từ 10 – 14 ngày. Tuy nhiên, nó cũng có thể trở nặng và gây ra những biến chứng nghiêm trọng như:

– Các biến chứng tại chỗ: Vi khuẩn, virus viêm họng cấp có thể tấn công các vùng lân cận cổ họng gây ra các biến chứng như sưng viêm đường hô hấp, viêm amidan, áp xe quanh amidan, viêm mũi xoang cấp, viêm tấy hoại thư cổ họng, có thể dẫn tới ung thư vòm họng.

– Các biến chứng gần: Bệnh có thể lan đến các vùng xa khu vực cổ họng như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang cấp, viêm phổi…

– Các biến chứng xa: Liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus) có thể dẫn tới các biến chứng về tim mạch như nhiễm độc liên cầu, viêm màng tim; Epstein Barr có thể gây biến chứng ung thư dạ dày, viêm cầu thận, viêm khớp, nhiễm trùng máu…

5. Điều trị viêm họng cấp trẻ em như thế nào?

Do viêm họng cấp trẻ em do liên cầu khuẩn gây ra chiếm tỷ lệ nhiều nhất nên khi chưa xác định rõ nguyên nhân do virus, vi khuẩn hay nguyên nhân khác thì bé được điều trị như viêm họng cấp do liên cầu khuẩn.

5.1. Điều trị viêm họng cấp do vi khuẩn

Bé có thể được chỉ định sử dụng các loại thuốc sau đây:

– Sử dụng thuốc kháng sinh nhóm beta lactam hoặc Amoxicillin, cephalexin, erythromycin, clarithromycin.

– Cho bé uống kháng sinh Penicillin V trong 10 ngày liên tục, liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.

– Trường hợp bé không thể uống Penicillin V hoặc không thể uống đầy đủ liên tục trong 10 ngày thì chuyển sang Benzathin-Penicilin G dạng tiêm bắp, chỉ 1 liều duy nhất.

– Trường hợp bé dị ứng Penicillin có thể thay thế bằng kháng sinh nhóm Macrolid như Rulide, Zithromax, Dynapac, hay Josacine trong 5-7 ngày.

– Kết hợp điều trị các triệu chứng khác như sốt, đau đầu, sưng viêm bằng thuốc Paracetamol. Lưu ý tuân thủ chỉ dẫn bác sĩ, không tự ý điều chỉnh liều lượng, có thể gây tác dụng phụ viêm loét dạ dày – tá tràng. Đồng thời, vệ sinh răng miệng, cổ họng hàng ngày bằng cách súc miệng nước muối, khí dung họng.

5.2. Điều trị viêm họng cấp do virus

Sau khi xét nghiệm xác định rõ nguyên nhân do virus khiến bé bị viêm họng cấp, không sử dụng thuốc kháng sinh mà thay bằng các loại thuốc khác như:

– Thuốc sát khuẩn vòm họng như  Tyrothricin (viên ngậm), các viên ngậm thảo dược

– Các loại thuốc giảm đau, hạ sốt, tiêu sưng giống với phương pháp do vi khuẩn như Paracetamol, ibuprofen.

Ngoài dùng thuốc, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau đây để tăng hiệu quả điều trị, giúp bé mau khỏi bệnh:

– Phục hồi và tăng cường sức đề kháng cho bé bằng cách bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin nhóm C, B1 và các nguyên tố vi lượng khác.

– Sử dụng viên ngậm hương bạc hà hoặc siro ho giúp bé giảm cảm giác đau họng.

– Súc miệng và vệ sinh mũi bằng nước muối loãng hàng ngày.

– Uống nhiều nước để tránh mất nước do sốt cao, đây cũng là mẹo giúp hạ sốt nhanh hơn.

bé bị viêm họng cấp - phòng bệnh viêm họng cấp trẻ em

Cho bé súc miệng bằng nước muối hàng ngày giúp nhanh khỏi bệnh

6. Các biện pháp phòng bệnh viêm họng cấp ở trẻ

Trẻ có sức đề kháng còn yếu nên dễ mắc viêm họng cấp khi thời tiết thay đổi chuyển lạnh hoặc vào mùa thu đông. Do vậy, phụ huynh cần chú ý giữ ấm và tăng cường sức đề kháng cho bé, tránh nhiễm bệnh. Một số biện pháp phòng tránh viêm họng cấp ở trẻ em như sau:

– Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh, nhất là các vị trí chân, tay và cổ. Đồng thời, sử dụng máy tạo ẩm trong nhà, uống nhiều nước để cổ họng luôn duy trì độ ẩm cần thiết.

– Không để trẻ dầm mưa hay phơi nắng quá lâu.

– Vệ sinh môi trường sống trong sạch, không cho bé tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc và khói xăng dầu. Giặt chăn màn và quét dọn thường xuyên.

– Vệ sinh răng miệng, vòm họng, mũi hàng ngày, không cho vi khuẩn và virus gây bệnh trú ngụ.

– Tập cho bé thói quen rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

– Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người đang bị các bệnh về hô hấp, chú ý đeo khẩu trang và nhớ rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh.

– Đeo khẩu trang cho bé khi ra ngoài, đến các khu vực công cộng.

– Không cho bé ăn các loại thực phẩm lên men, đồ ăn sống, đồ muối chua, trong đó chứa nhiều loại vi khuẩn không có lợi.

– Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé, nhất là các loại thực phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.

– Đưa bé đi tiêm phòng các bệnh có thể dẫn tới viêm họng cấp như cảm cúm, sởi…

Trên đây là các thông tin chi tiết về triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng bệnh viêm họng cấp ở trẻ em. Khi thấy bé bị viêm họng cấp, tốt nhất cha mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để xác định rõ nguyên nhân nhằm có phương án điều trị tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital