Bé bị rối loạn tiêu hóa, cha mẹ cần làm gì để khắc phục?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Rối loạn tiêu hóa có thể nói là một trong những chứng bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Hầu hết các trường hợp rối loạn tiêu hóa đều không nguy hiểm tuy nhiên nếu như phụ huynh chủ quan để kéo dài không điều trị có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến dinh dưỡng và sự phát triển. Vậy khi bé bị rối loạn tiêu hóa thì cần làm gì để khắc phục, lời giải đáp chi tiết sẽ được “hé lộ” trong bài viết dưới đây, cùng tìm hiểu ngay nhé!

1. Nguyên nhân khiến cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa

Tiêu hóa là quá trình biến đổi thức ăn thành những chất có thể hấp thu qua thành ống tiêu hóa để vào máu, quá trình này bắt đầu từ miệng cho đến ruột già. Bất cứ nguyên nhân nào làm thay đổi, cản trở, đảo lộn quá trình tiêu hóa thức ăn trong ống tiêu hóa được gọi là rối loạn tiêu hóa.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa, một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

– Sức đề kháng lẫn hệ tiêu hóa của trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi đang còn yếu nên dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như: Vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hay nấm.

– Sử dụng nhiều loại thuốc kháng sinh: Khi kháng sinh đi vào cơ thể, bên cạnh tác dụng tiêu diệt vi khuẩn có hại, kháng sinh cũng có thể đi kèm theo tác dụng phụ như tiêu diệt luôn cả vi khuẩn có lợi. Từ đó khiến cho sinh thái đường ruột bị mất cân bằng dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

– Trẻ sống trong môi trường bị ô nhiễm hoặc ăn nguồn thực phẩm có chất lượng vệ sinh kém

– Biến chứng từ các bệnh như: Viêm mũi họng cấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản… Khi mắc phải những bệnh này, trẻ thường bị tiết ra đờm chứa vi khuẩn, thay vì khạc nhổ ra ngoài, khi trẻ nuốt đờm sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn đường ruột, lâu dần gây rối loạn tiêu hóa.

– Chế độ dinh dưỡng cho trẻ không hợp lý. Có thể kể đến một số thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo như: Bánh kẹo, lạp xưởng, xúc xích hay đồ uống có cồn được xem là “thủ phạm” gây ra các bệnh về đường tiêu hóa.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé bị rối loạn tiêu hóa, ở độ tuổi này, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé bị rối loạn tiêu hóa, ở độ tuổi này, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh

2. Dấu hiệu nhận biết khi bé bị rối loạn tiêu hóa

Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi, do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên khi thay đổi chế độ ăn không phù hợp, trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa. Chính vì vậy, để có phương án điều trị kịp thời, bố mẹ cần chú ý ngay khi ở trẻ xuất hiện những biểu hiện rối loạn tiêu hóa như:

– Táo bón

Tình trạng táo bón thường xảy ra khi trẻ ăn những thực phẩm khó tiêu hóa như: Đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ hoặc các loại đạm khó tiêu, thức ăn cứng, ít chất xơ… Không chỉ gây nhiều đau đớn cho trẻ, táo bón còn tạo ra những tác động tâm lý tiêu cực khiến cho trẻ sợ đi vệ sinh, trẻ bỏ ăn, ăn kém… đồng thời gây ảnh hưởng xấu tới đường ruột.

Táo bón là một trong những dấu hiệu rối loạn tiêu hóa điển hình nhất của trẻ

Táo bón là một trong những dấu hiệu rối loạn tiêu hóa điển hình nhất của trẻ

– Nôn trớ

Tình trạng này thường xuyên xảy ra do nguyên nhân là trẻ chưa hoàn thiện hệ tiêu hóa. Tuy nhiên khi trẻ lớn lên, cấu trúc hệ tiêu hóa dần hoàn thiện thì tình trạng nôn trớ cũng sẽ biến mất.

– Đi ngoài ra phân sống

Đi ngoài phân sống xảy ra do sự mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn trong ruột. Thông thường, hệ sinh vật trong đường ruột bao gồm lợi khuẩn và hại khuẩn sẽ sống cộng sinh và có vai trò giúp ích cho quá trình tiêu hóa bằng việc hấp thụ chất dinh dưỡng và thải trừ chất độc hại ra ngoài. Tuy nhiên, nếu như tỷ lệ hại khuẩn trong cơ thể lớn bất thường trên 15% sẽ gây nên tình trạng loạn khuẩn đường ruột với một số biểu hiện đi kèm như: Đi ngoài ra phân sống, phân lỏng, đôi khi phân có lẫn chất nhầy…

– Đi ngoài ra phân nát

Đi ngoài ra phân nát có thể nói là triệu chứng điển hình nhất của rối loạn tiêu hóa. Khi hệ tiêu hóa có vấn đề, thức ăn không được trải qua quá trình tiêu hóa đầy đủ mà nhanh chóng bị đẩy ra ngoài, trẻ sẽ rất dễ bị mất nước.

3. Cần làm gì để khắc phục tình trạng bé bị rối loạn tiêu hóa?

Như đã đề cập đến ở trên, tình trạng rối loạn tiêu hóa bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Phụ huynh cần xác định nguyên nhân trẻ bị rối loạn tiêu hóa để có phương hướng điều trị sau cho phù hợp.

Một số lời khuyên để khắc phục tình trạng rối loạn tiêu hóa mà phụ huynh có thể tham khảo bao gồm:

– Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp

Chế độ dinh dưỡng có thể nói là tác nhân dễ gây ra chứng rối loạn tiêu hóa. Chính vì vậy, việc cân bằng dinh dưỡng và lựa chọn những thực phẩm có lợi cho hệ tiêu hóa là vô cùng quan trọng. Phụ huynh nên đảm bảo cho con trẻ chỉ ăn thức ăn uống sôi, hạn chế đồ ăn quá cay nóng, quá chua, nhiều đạm hoặc mỡ. Trong trường hợp trẻ rối loạn tiêu hóa mãn tính thì không nên ăn nhiều thức ăn giàu chất xơ. Thay vào đó, phụ huynh nên bổ sung men tiêu hóa và các loại thức uống có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa.

– Sử dụng thuốc

Trong trường hợp trẻ bị tiêu hóa kéo dài thì phụ huynh có thể sử dụng một số loại thuốc kháng sinh đúng liều để tránh viêm nhiễm đường tiêu hóa. Tuy nhiên bố mẹ cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý cho trẻ sử dụng những loại thuốc không phù hợp khiến cho tình trạng rối loạn diễn ra ngày một nặng thêm.

– Thăm khám để được tư vấn

Phụ huynh nên đưa trẻ đi thăm khám với bác sĩ hoặc các chuyên gia để được xác định nguyên nhân cũng như tư vấn phương án điều trị phù hợp.

Bên cạnh đó, nếu trẻ có những biểu hiện như: Sốt cao, mất nhiều máu do đi ngoài ra máu, tiêu chảy mất nước… thì ngay lập tức cần đưa vào bệnh viện để được điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm.

4. Một số biện pháp phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng khoa học, để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, phụ huynh cũng cần xây dựng cho trẻ một thói quen ăn uống cũng như chế độ sống khoa học. Dưới đây là một số lời khuyên mà phụ huynh có thể tham khảo:

– Đảm bảo cho trẻ ăn uống đủ chất

– Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có cồn

– Bổ sung men vi sinh hoặc lợi khuẩn tốt cho đường ruột

– Rèn luyện cho trẻ thói quen đi vệ sinh khoa học, mỗi ngày nên đi vệ sinh 1 lần vào cùng một thời điểm

– Bổ sung các chất dinh dưỡng có lợi như vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây nên chứng rối loạn tiêu hóa

– Luyện tập cho trẻ thói quen nhai kỹ thức ăn. Bởi khi thực phẩm được nhai kỹ, chúng sẽ được nghiền nhỏ và hòa trộn tốt hơn với enzyme tiêu hóa. Khi xuống đến dạ dày, thức ăn cũng sẽ nhanh chóng được tiêu hóa. Từ đó, trẻ có cảm giác ngon miệng hơn khi ăn, đồng thời triệu chứng rối loạn cũng sẽ được cải thiện.

Khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày có sức ảnh hưởng rất lớn tới hệ tiêu hóa của trẻ

Khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày có sức ảnh hưởng rất lớn tới hệ tiêu hóa của trẻ

Rối loạn tiêu hóa không phải là một bệnh quá nghiêm trọng, tuy nhiên phụ huynh cũng không được chủ quan bởi nếu như không được khắc phục kịp thời thì bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Tốt hơn hết, khi bé bị rối loạn tiêu hóa, phụ huynh nên đưa bé đến ngay các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa kiểm tra, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phương pháp điều trị đúng đắn. Bên cạnh đó, ngay cả trong trường hợp trẻ chưa có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, phụ huynh cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cũng như việc nâng cao sức đề kháng để trẻ ít ốm vặt cũng như gặp các vấn đề về tiêu hóa.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital