Alzheimer là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Alzheimer là căn bệnh liên quan đến sự suy giảm trí nhớ, nhận thức, tư duy, gây rất nhiều ảnh hưởng đến bản thân người bệnh và cả những người xung quanh. Cùng tìm hiểu bệnh Alzheimer là gì, nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả qua bài viết dưới đây.

1. Alzheimer là bệnh gì?

Bệnh Alzheimer là một rối loạn thần kinh nghiêm trọng, đặc trưng bởi sự mất dần các nơron thần kinh cùng synap trong vỏ não và một số vùng dưới vỏ.

Căn bệnh này là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng mất trí nhớ, suy giảm chức năng nhận thức, bao gồm suy nghĩ, hành vi, tư duy. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống và khả năng làm việc của người bệnh.

Trung bình người bệnh chỉ có thể sống được thêm 8 – 10 năm kể từ khi mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và điều trị bệnh Alzheimer đúng cách, thời gian sống của các bệnh nhân này có thể kéo dài hơn. 

Bệnh Alzheimer là gì?

Alzheimer là một rối loạn thần kinh nghiêm, liên quan đến sự mất đi của các nơron thần kinh cùng synap.

2. Nguyên nhân gây khởi phát bệnh Alzheimer là gì? 

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh Alzheimer vẫn là một ẩn số với các nhà khoa học. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh Alzheimer có liên quan đến sự kết nối giữa các tế bào não do sự tích tụ protein, sự hình thành các mảng amyloid và đám rối sợi dây thần kinh.

– Mảng amyloid: Các đoạn protein lớn (beta-amyloid) tích tụ xung quanh các tế bào não thành các mảng lắng đọng lớn hơn được gọi là mảng amyloid. Các mảng amyloid ngăn cản việc não gửi và truyền đi tín hiệu.

– Đám rối sợi thần kinh: Trong não, một loại protein có tên là Tau có thể thay đổi hình dạng và tự tổ chức thành các cấu trúc được gọi là đám rối sợi thần kinh. Chúng gây hại cho các tế bào não, làm rối loạn hệ thống vận chuyển tín hiệu thần kinh, gây suy giảm chất dẫn truyền thần kinh. Do đó, các tín hiệu từ não không được truyền đi đúng cách.

Hậu quả cuối cùng là các tế bào thần kinh bị tổn thương và chết đi, các mô não bị mất dần. Điều này gây ra sự co rút ở lớp ngoài của não (vỏ não) trước. Đây là vùng quan trọng đối với trí nhớ, ngôn ngữ và khả năng phán đoán. 

3. Các triệu chứng thường gặp của bệnh Alzheimer là gì?

Các triệu chứng của bệnh Alzheimer là gì phụ thuộc vào phần não bị ảnh hưởng hoặc nguyên nhân gây ra chứng mất trí. Các triệu chứng này bao gồm:

3.1 Giảm trí nhớ và khả năng nhận thức

Thông thường trí nhớ và khả năng nhận thức của con người sẽ giảm dần khi về già. Cơ thể lúc này không còn phản ứng nhanh và linh hoạt với các tình huống nữa. Họ khó nhận ra và giải quyết các vấn đề phát sinh nhưng vẫn có thể tiếp cận với những kiến ​​thức đã tiếp thu được trong nhiều năm và có thể đưa ra những phán đoán đúng đắn.

Tuy nhiên những người bị bệnh Alzheimer thì không như vậy. Ở giai đoạn đầu, trí nhớ ngắn hạn của người bệnh bị ảnh hưởng nhiều hơn, vì vậy họ không nhớ các thông tin mới xảy ra nhưng lại có thể nhớ lại những trải nghiệm từ lâu. 

Theo thời gian, trí nhớ dài hạn cũng mất dần, khả năng tập trung giảm nên việc duy trì định hướng theo thời gian và không gian của người bệnh ngày càng khó khăn hơn. Việc liên kết những kiến thức cũ và mới trở nên khó khăn hơn. Có những người gặp khó khăn trong việc đánh giá thông tin, hình thành ý kiến, đưa ra quyết định.

biểu hiện bệnh Alzheimer là gì?

Mất trí nhớ, giảm nhận thức, khó diễn đạt,,… là những biểu hiện đặc trưng của bệnh Alzheimer.

3.2 Khó diễn đạt

Người bệnh Alzheimer có thể đột ngột dừng lại khi đang nói chuyện với người khác và khó tiếp tục cuộc trò chuyện. Thậm chí họ có thể lặp lại những câu chuyện vừa nói trước đó.

Ở giai đoạn tiến triển, việc giao tiếp càng trở nên khó khăn do họ không nhớ đúng các từ dẫn tới sử dụng các từ hoặc cụm từ không phù hợp với ngữ cảnh, khiến người khác khó hiểu.

3.3 Nhầm lẫn thời gian hoặc địa điểm

Quên mất ngày tháng, mùa và thời gian là những điều người bệnh Alzheimer có thể gặp phải. Nhiều người không nhớ làm sao họ đến được nơi mình đang đứng, mình đến đây để làm gì. Một số người bệnh khác gặp khó khăn khi cố hiểu một sự kiện xảy ra tức thời, ngay lúc đó.

3.4 Đặt đồ vật sai vị trí

Bệnh nhân Alzheimer có thể quên vị trí đặt đồ vật, làm mất đồ và không thể nhớ để tìm lại. Điều này khiến họ có thể nghi ngờ ai đó ăn cắp đồ của mình và gây ra mâu thuẫn với những người xung quanh.

3.5 Thay đổi hành vi, tâm trạng, tính cách

Nhiều bệnh nhân trải qua những thay đổi về cả tâm trạng và tính cách. Họ có thể trở nên chán nản, bối rối, nghi ngờ, sợ hãi hay lo lắng trước những sự việc rất bình thường. Họ dễ nổi nóng ở nhà, nơi làm việc, với bạn bè hoặc bất cứ ai mà họ thấy không thoải mái. Họ từ bỏ các sở thích, các hoạt động xã hội, các dự án công việc hay các môn thể thao đã từng yêu thích không vì một lý do nào.

Một số khác có thể mất khả năng phát triển và thực hiện kế hoạch hay làm việc với các con số. Họ không thể lái xe đến một địa điểm quen thuộc, không thể tính được hóa đơn, không biết sử dụng các đồ vật trong gia đình hoặc gặp khó khăn trong việc đọc hiểu…

4. Cách điều trị và phòng tránh căn bệnh Alzheimer 

4.1 Phương pháp điều trị bệnh Alzheimer là gì?

Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp để trị khỏi bệnh Alzheimer hoàn toàn. Tuy nhiên có một số phương pháp để hạn chế nguy cơ, ngăn bệnh tiến triển của bệnh như: sử dụng các loại thuốc ức chế cholinesterase và memantine. Trong một số trường hợp người bệnh có thể sử dụng thuốc an thần để giảm lo âu, trầm cảm, kích động và các vấn đề về hành vi. Tuy nhiên khi sử dụng các loại thuốc này, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ và uống thuốc đúng theo đơn được kê.

Cách điều trị và phòng tránh bệnh Alzheimer là gì?

Tích cực hoạt động trí não và vận động thể chất có thể giúp ngăn bệnh này xảy ra hoặc tiến triển.

4.2 Cách phòng tránh bệnh Alzheimer là gì?

Lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer như:

– Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, cân bằng với nhiều trái cây, rau củ quả mỗi ngày

– Không hút thuốc, hạn chế uống rượu

– Tập thể dục đều đặn, ít nhất là 150 phút/tuần

– Duy trì cân nặng hợp lý và giảm cân nếu thừa cân, béo phì

– Kiểm soát huyết áp cao, tiểu đường và cholesterol cao bằng cách tuân theo các hướng dẫn điều trị và tái khám thường xuyên

– Giữ gìn sức khỏe tinh thần từ đó giúp xây dựng và củng cố các tế bào não, củng cố các kết nối của chúng

– Tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chơi trò chơi tư duy.

– Thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là đối với những người lớn tuổi để phát hiện sớm bệnh hoặc các yếu tố nguy cơ. 

Hi vọng qua bài viết bạn đã hiểu được Alzheimer là gì và cách nhận biết. Để phòng tránh hiệu quả căn bệnh này, bạn nên thực hiện lối sống lành mạnh và chủ động thăm khám với bác sĩ Nội thần kinh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital