7 biến chứng suy tim thường gặp và cách phòng tránh

Tham vấn bác sĩ
Đại tá, PGS.TS, BSCK II, Thầy thuốc nhân dân

Nguyễn Văn Quýnh

Bác sĩ Nội Khoa

Khi trái tim suy yếu, không còn hoạt động bình thường, khả năng bơm máu đi nuôi cơ thể cũng kém đi. Nếu không theo dõi thường xuyên và điều trị kịp thời, những biến chứng suy tim xảy ra đột ngột có thể khiến người bệnh gặp nguy hiểm. Các biến chứng của bệnh suy tim là gì, làm sao để ngăn ngừa các biến chứng này từ sớm? 

1. Suy tim là gì, bệnh có nguy hiểm không?

Suy tim là tình trạng tim hoạt động kém do tổn thương thực thể hoặc sự suy giảm về chức năng. Khi đó, tim không thể cung cấp đủ máu cho các tế bào. Điều này khiến người bệnh mệt mỏi và khó thở. Một số người bị ho. Người bệnh suy tim có thể gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang, bê vác đồ. Khi gắng sức, bệnh nhân có thể bị ứ dịch dẫn đến sung huyết phổi và phù ngoại vi.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, suy tim có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho tim cũng như nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

suy tim là gì, có nguy hiểm không

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, suy tim có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho tim cũng như nhiều cơ quan khác trong cơ thể.

2. Các biến chứng suy tim phổ biến

2.1 Hỏng van tim

Trái tim bình thường có 4 van với chức năng điều khiển máu chảy theo một chiều nhất định. Khi bị suy yếu, tim phải gắng sức nhiều hơn để bù lượng máu bị thiếu hụt. Máu không được cung cấp đều đặn có thể khiến cấu trúc van tim thay đổi, khiến các dây chằng van tim bị giãn hoặc đứt, làm hỏng van.

2.2 Chức năng thận suy giảm – Biến chứng suy tim gây tăng huyết áp, phù nề

Khả năng bơm máu của tim bị giảm sút, dẫn đến nhiều cơ quan trong cơ thể không được cung cấp đủ máu, trong đó có thận. Thận không được cung cấp đầy đủ máu dẫn đến giảm chức năng lọc, đào thải độc tố, muối và nước ra khỏi cơ thể. Một lượng lớn muối bị giữ lại có thể khiến người bệnh suy tim gặp tình trạng tăng huyết áp, phù nề.

Ngược lại, sự suy giảm chức năng thận cũng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch, tăng nguy cơ nhập viện và tử vong ở người bệnh suy tim.

2.3 Tổn thương gan

Ở những người bệnh suy tim, đặc biệt là suy tim phải, khả năng hút máu của tim giảm nghiêm trọng, khiến gan phải tăng kích thước để chứa máu. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây tổn thương gan, làm tăng nguy cơ xơ gan, suy gan.

2.4 Thiếu máu

Chức năng bơm máu của tim suy giảm có thể gây thiếu máu nhiều cơ quan trong cơ thể. Đồng thời, khi chức năng thận kém đi, lượng hormone tạo hồng cầu trong tủy xương không đủ cung cấp cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu máu. 

Ngược lại, thiếu máu kéo dài cũng khiến cho bệnh suy tim diễn tiến nhanh và ngày càng trầm trọng hơn.

2.5 Rối loạn nhịp tim

Chức năng tim suy yếu có thể khiến tim đập không đúng nhịp, nhanh hoặc chậm một cách bất thường. Các rối loạn nhịp tim thường gặp ở người bị suy tim thường là: rung tâm nhĩ, block nhánh trái, nhịp tim nhanh thất và rung thất.

biến chứng suy tim thường gặp

Rối loạn nhịp tim là một trong những biến chứng nếu suy tim không được điều trị.

2.6 Phù phổi cấp

Chất lỏng bị tích tụ trong phổi do tim suy có thể gây ra tình trạng phù phổi cấp với các triệu chứng như da nhợt nhạt, ho ra bọt màu hồng. Nhiều người bị khó thở, mô tả cảm giác như chết đuối.

2.7 Đột quỵ/nhồi máu cơ tim – Biến chứng suy tim nguy hiểm

Đây biến cố nguy hiểm nhất của các bệnh lý tim mạch nói chung và bệnh suy tim nói riêng. Khi chức năng bơm máu của tim bị suy giảm, máu không thể bơm hết khỏi các buồng tim. Lượng máu bị ứ lại này là điều kiện thuận lợi hình thành huyết khối (cục máu đông). Các cục máu đông gây tắc nghẽn tại động mạch vành dẫn tới nhồi máu cơ tim, tắc nghẽn tại mạch máu não dẫn tới đột quỵ.

3. Làm thế nào để phòng tránh suy tim biến chứng?

Suy tim được xem là “đích đến” cuối cùng của hầu hết các bệnh lý tim mạch. Vì thế, muốn ngăn ngừa bệnh lý cũng như biến chứng của bệnh suy tim, bạn nên chăm sóc tốt sức khỏe trái tim ngay từ bây giờ bằng cách:

– Ăn uống khoa học

– Thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, có kiểm soát

– Thường xuyên luyện tập thể dục, lưu ý chọn các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp

– Đi khám định kỳ để sớm phát hiện và điều trị các bệnh lý tim mạch 

phòng ngừa biến chứng bệnh suy tim

Khi bị suy tim, cần điều trị sớm với các bác sĩ chuyên khoa tim mạch để kiểm soát bệnh, phòng ngừa biến chứng.

Nếu đã không may bị suy tim, bạn cần điều trị sớm và theo dõi sát sao tình trạng cơ thể. Khi nhận thấy các dấu hiệu suy tim trở nặng như mệt mỏi triền miên, khó thở khi vận động nhẹ nhàng, cơ thể phù, nặng nề… bạn cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả, đúng hướng, tránh bệnh tiến triển nặng thành các biến chứng nguy hiểm.

Như vậy, các biến chứng suy tim tuy nguy hiểm nhưng có thể ngăn chặn nếu kiểm soát tốt các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là hội chứng suy tim. Hãy thường xuyên thăm khám tại chuyên khoa tim mạch để chăm sóc sức khỏe tim mạch một cách toàn diện và kịp thời. Nếu có nhu cầu khám tim mạch, bệnh nhân vui lòng liên hệ tổng đài để được tư vấn và đặt lịch.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital