03 phương pháp tầm soát ung thư đại tràng hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Tại Việt Nam, mỗi năm ung thư đại tràng được ghi nhận 15.000 ca mắc mới và khoảng 7000 trường hợp tử vong. Căn bệnh này nếu được phát hiện sớm thì khả năng điều trị khỏi lên tới 90%. Tầm soát ung thư đại tràng là phương pháp hữu hiệu giúp con người phát hiện sớm bệnh lý này. Xem ngay bài viết dưới đây để tìm hiểu ung thư đại tràng được tầm soát qua những phương pháp nào bạn nhé.

1. Tìm hiểu về ung thư đại tràng

1.1. Ung thư đại tràng là gì?

Ung thư đại tràng còn được gọi là ung thư ruột già, đây là một loại ung thư đường tiêu hóa khá phổ biến tại nước ta cũng như trên thế giới. Bệnh nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ có khả năng chữa khỏi cao. Ngược lại, nếu phát hiện ở giai đoạn muộn thì khả năng điều trị khỏi là khá thấp.

Ung thư đại tràng phát triển với 4 giai đoạn chính là:

– Giai đoạn I: Đây là giai đoạn sớm của ung thư đại tràng được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư thường chỉ ở niêm mạc và phát triển phí trong các lớp của đại tràng.

– Giai đoạn II: Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư lan rộng và xâm lấn tới nhiều khu vực khác của đại tràng, tuy nhiên chưa di căn tới cơ quan khác của cơ thể.

– Giai đoạn III: Tế bào ung thư bắt đầu lan sang hạch bạch huyết.

– Giai đoạn IV: Đây là giai đoạn cuối, các tế bào ung thư đã di căn tới các cơ quan khác của cơ thể.

Ung thư đại tràng là gì?

Ung thư đại tràng có thể gặp ở nhiều vị trí và có 4 giai đoạn chính

1.2. Vì sao nên tầm soát ung thư đại tràng?

Ung thư đại tràng càng ngày càng gia tăng và là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ mắc bệnh cao lại tốn kém về chi phí. Tuy nhiên, bệnh nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ chữa khỏi càng cao, thậm chí có người đã sống tới hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh.

Đối với những bệnh nhân mắc ung thư, tiên lượng sống sau 5 năm sẽ được tính theo giai đoạn:

– Giai đoạn 1: 90%.

– Giai đoạn 2: 80 – 83%.

– Giai đoạn 3: 60%.

– Giai đoạn 4: 11%.

Ở một số đất nước phát triển người dân tham gia sàng lọc ung thư đại tràng thường xuyên nên tỷ lệ phát hiện muộn khá thấp bởi sàng lọc ung thư đại tràng có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn chưa có dấu hiệu. Phương pháp này giúp người thăm khám kịp thời điều trị nếu có bệnh đồng thời tiết kiệm thời gian, chi phí.

2. Đối tượng nào nên tham gia tầm soát ung thư đại tràng?

Tầm soát đại tràng không quy định số tuổi nhất định, tuy nhiên nếu thuộc các đối tượng dưới đây bạn nên tham gia sàng lọc:

– Người trên 50 tuổi.

– Những cá nhân có người trong gia đình mắc các bệnh lý liên quan đến đường ruột, đại tràng, trực tràng,…

– Những người bị táo bón thường xuyên, đại tiện ra máu mà không rõ nguyên nhân.

– Người có lối sống không lành mạnh, uống nhiều rượu bia hoặc hút thuốc lá.

– Người có tiền sử mắc Crohn.

– Người mắc các bệnh lý liên quan đến trực tràng, đặc biệt là viêm loét.

Nếu thuộc những đối tượng trên, bạn hãy nhanh chóng đăng ký sàng lọc ung thư đại tràng để được tiến hành kiểm tra, bảo vệ sức khỏe chính mình.

Nhưng ai nên sàng lọc ung thư đại tràng?

Người trên 50 tuổi nên sàng lọc ung thư đại tràng

3. Phương pháp tầm soát phát hiện ung thư đại tràng

3.1. Tầm soát ung thư đại tràng bằng phương pháp nội soi

Nội soi là phương pháp chẩn đoán bằng cách đưa ống nội soi mềm với đường kính khoảng 1 cm từ hậu môn ngược lên đại tràng để quan sát những tổn thương. Phương pháp này giúp đánh giá toàn bộ khung đại tràng và trực tràng. Nếu như phát hiện polyp, các bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu mô và đem đi sinh thiết để xác định xem đó có phải là ung thư hay không. Trước khi thực hiện nội soi, người bệnh cần ngưng uống thuốc có chứa sắt từ 3 – 4 ngày, ngừng uống thuốc nhuận tràng 1 – 2 ngày và không ăn chất xơ trong 1 ngày.

3.2. Xét nghiệm máu trong phân

Xét nghiệm máu trong phân (FOBT) là phương pháp được áp dụng nhiều trong sàng lọc ung thư đại tràng. Các mạch máu của khối u hoặc Polyp đại tràng sẽ bị tổn thương khi phân đi qua, bởi vậy chúng thường gây chảy máu dẫn tới tình trạng phân dính máu. Tuy nhiên, nếu như máu có số lượng ít sẽ không thể quan sát bằng mắt thường, lúc này cần thực hiện xét nghiệm tìm máu trong phân. Hiện tượng máu trong phân có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên như: Trĩ, ung thư hoặc viêm loét đại tràng,… Do đó nếu xét nghiệm dương tính thì tiếp tục tiến hành nội soi đại tràng để kiểm tra. Trên thực tế, bản thân xét nghiệm FOBT không thể khẳng định người bệnh có mắc ung thư đại tràng hay không mà phải phối hợp với nhiều biện pháp sàng lọc khác.

Tầm soát ung thư đại trực tràng qua xét nghiệm máu trong phân

Xét nghiệm máu trong phân (FOBT) là phương pháp được áp dụng nhiều trong sàng lọc ung thư đại tràng

3.3. Xét nghiệm máu CEA

CEA còn được biết đến là kháng nguyên Carcinoembryonic. Thông thường khi cơ thể khỏe mạnh, nồng độ CEA sẽ rất thấp. Chúng sẽ tăng cao khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu của ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng. Bởi vậy xét nghiệm này không thể thiếu trong quá trình sàng lọc ung thư đại tràng.

Ngoài ra, còn rất nhiều các phương pháp khác được các cơ sở y tế áp dụng để tầm soát ung thư đại tràng cho bệnh nhân. Có thể kể đến một vài phương pháp như: Siêu âm, MSCT, MRI,… Việc lựa chọn và kết hợp các phương pháp này còn phụ thuộc vào thể trạng và nhu cầu của từng bệnh nhân.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital