Viêm đường tiết niệu tái phát liên tục: Tại sao?

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Viêm đường tiết niệu thường xảy ra do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli), vi khuẩn sống trong ruột gây ra. Viêm đường tiết niệu có thể phát triển ở bất cứ nơi nào ở đường tiết niệu, bao gồm thận, bàng quang hay niệu đạo. Tình trạng tái phát viêm đường tiết niệu khá phổ biến. Theo thống kê của FloridaHealthFinder.gov, có khoảng 25 – 50% phụ nữ tiếp tục bị viêm đường tiết niệu  trong vòng 6 tháng sau khi mắc bệnh lần thứ nhất. Sau đây là một số yếu tố nguy cơ dẫn tới tình trạng viêm đường tiết niệu tái phát ở người bệnh.

1. Thế nào là viêm – nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát?

Viêm đường tiết niệu hay nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát là tình trạng bệnh tái đi tái lại nhiều đợt. Bệnh được chẩn đoán là tái phát khi người bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu >4 lần/ năm, hoặc nhiễm khuẩn 2 đến 3 lần trong vòng 4 đến 6 tháng.

Viêm đường tiết niệu tái phát liên tục: Tại sao?

Nhiễm khuẩn tiết niệu là bệnh rất thường gặp, bệnh có thể xảy ra ở mọi giới tính, mọi lứa tuổi.

2. Các nguyên nhân điển hình dẫn đến nguy cơ tái phát nhiều lần viêm đường tiết niệu

2.1 Có vật cản trong đường tiết niệu, không điều trị triệt để

Nước tiểu giúp cho đường tiết niệu không bị nhiễm trùng bằng cách đẩy trôi sạch các vi khuẩn. Vì thế bất cứ nguyên nhân nào ngăn chặn hoặc làm suy yếu dòng nước tiểu có thể dẫn tới tình trạng viêm đường tiết niệu thường xuyên. Sỏi thận là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tái phát nhiễm trùng đường tiết niệu. Ở nam giới, phì đại tuyến tiền liệt cũng có thể gây cản trở dòng nước tiểu và làm tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu. Ngoài ra có những người sinh ra với những bất thường ở đường tiết niệu gây cản trở việc đi tiểu bình thường và dẫn tới viêm đường tiết niệu.

Viêm đường tiết niệu tái phát liên tục: Tại sao?

Sỏi tiết niệu nếu không điều trị kịp thời, gây tắc nghẽn sự lưu thông của nước tiểu, gây trầy xước niêm mạc niệu quản có thế gây ra tình trạng nhiễm khuẩn

2.2 Cấu tạo cơ thể

Viêm đường tiết niệu xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn so với nam giới. Các bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn nhiều so với nam giới, có nghĩa là vi khuẩn sẽ dễ dàng di chuyển vào bàng quang. Thêm vào đó, ở phụ nữ niệu đạo gần với hậu môn, nên có nhiều khả năng vi khuẩn từ hậu môn có thể gây nhiễm trùng niệu đạo. Sau khi mãn kinh, nguy cơ tái phát viêm đường tiết niệu của phụ nữ tăng cao hơn vì những thay đổi về nồng độ estrogen sẽ làm cho đường tiết niệu dễ bị nhiễm trùng hơn.

2.3 Viêm đường tiết niệu dễ tái phát do quan hệ tình dục

Hoạt động tình dục ở nữ giới cũng là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn tới viêm đường tiết niệu thường xuyên, mặc dù các bác sĩ vẫn chưa giải thích được cụ thể vì sao. Một số nghiên cứu cho biết việc sử dụng màng ngăn âm đạo để tránh thai có thể làm tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu. Sử dụng chất bôi trơn diệt tinh trùng để ngừa thai cũng có liên quan tới tăng tần suất viêm đường tiết niệu.

2.4 Các bệnh lý khác

Bất cứ bệnh nào làm suy yếu hệ thống miễn dịch đều làm tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu bởi vì cơ thể không có khả năng chống lại nhiễm trùng. Ví dụ người bị tiểu đường có nhiều khả năng bị viêm đường tiết niệu. Bên cạnh đó nhiều trường hợp không thể đi tiểu bình thường mà phải sử dụng ống thông đưa vào niệu đạo. Các ống thông này có thể mang theo vi khuẩn vào niệu đạo gây nhiễm trùng.

2.5 Viêm đường tiết niệu tái phát liên quan đến nhận thức về điều trị

Yếu tố khiến tình trạng viêm đường tiết niệu tái phát người bệnh đặc biệt cần lưu ý là do vấn đề điều trị của người bệnh:

– Điều trị không dứt điểm bệnh, không tuân thủ theo liệu trình, bỏ dở điều trị và không tái khám theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Các yếu tố này dẫn đến vi khuẩn vẫn còn trong cơ thể có cơ hội tiếp tục sinh sôi và tấn công trong một thời gian ngắn ngay sau đó.

– Người bệnh sử dụng thuốc sai cách, tự ý dùng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Điều này có thể làm vi khuẩn kháng thuốc, gây khó khăn trong điều trị.

– Lựa chọn các phương pháp điều trị không chính thống như điều trị bằng các phương thuốc dân gian, người bệnh có thể giảm triệu chứng nhưng lầm tưởng là đã khỏi bệnh. Do đó cần thăm khám tại chuyên khoa tiết niệu uy tín để bác sĩ trực tiếp xây dựng phác đồ điều trị dựa trên tình trạng nhiễm khuẩn cụ thể. Như vậy bạn mới có thể tiêu diệt vi khuẩn gây hại triệt để, tránh tình trạng viêm nhiễm đường tiết niệu tái phát hoặc mãi không khỏi.

3. Mách bạn cách phòng viêm đường tiết niệu hạn chế tái phát

– Khi được chẩn đoán mắc nhiễm khuẩn tiết niệu, bạn cần tích cực điều trị, tuân thủ hướng dẫn, sử dụng thuốc kê đơn đúng cách, tuyệt đối không  tự ý mua thuốc để điều trị, không tự ý ngưng thuốc khi chưa có ý kiến bác sĩ, và không được dùng đơn thuốc của những lần điều trị trước để sử dụng cho nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát các lần sau này.
– Vệ sinh cơ quan sinh dục đúng cách, thay giặt đồ lót đúng cách và định kỳ. Ở nữ giới chú ý vệ sinh trước và sau quan hệ tình dục. Sau khi đại tiện, tiểu tiện chú ý vệ sinh hướng từ trước ra sau, để tránh vi khuẩn từ hậu môn có thể xâm nhập niệu đạo, âm đạo…

– Điều trị triệt để các bệnh lý là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Bệnh viêm tuyến tiền liệt ở nam giới,  bệnh sỏi tiết niệu, các vấn đề dị dạng đường tiết niệu,
– Uống nhiều nước, không nhịn tiểu để quá trình bài tiết diễn ra thuận lợi, không tích tụ lâu để vi khuẩn có cơ hội xâm nhập.

Khám phụ khoa hoặc nam khoa định kỳ 6 tháng/ lần đặc biệt đối với bệnh nhân đã có tiền sử mắc nhiễm khuẩn đường tiết niệu để phát hiện sớm nguy cơ tái phát bệnh và xử lý kịp thời, tránh biến chứng.

Viêm đường tiết niệu tái phát liên tục: Tại sao?

Điều trị triệt để bệnh lý viêm đường tiết niệu và có cách phòng tránh khoa học là giải pháp hàng đầu để hạn chế khả năng tái phát bệnh trong tương lai

4. Kết luận

Viêm đường tiết niệu nếu để kéo dài, có khả năng gây nên những biến chứng nặng nề, như nhiễm trùng huyết, suy thận cấp, phụ nữ có thai có thể đẻ non, gây nhiễm trùng sơ sinh… nên người bệnh cần điều trị sớm, dù bệnh nặng hay nhẹ. Điều trị triệt để đúng cách và đồng thời loại bỏ nguyên nhân gây bệnh sẽ giảm khả năng tái phát.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital