Trẻ bị còi xương và những điều bố mẹ phải làm

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ bị còi xương, nếu không được điều trị kịp thời và tích cực, có thể sẽ phải đối diện với những hệ lụy vô cùng tai hại. Vậy, tình trạng còi xương ở trẻ nên được điều trị như thế nào? Đọc bài viết sau của Thu Cúc TCI để biết câu trả lời, bố mẹ nhé!

1. Thế nào là còi xương?

Còi xương là một dạng loạn dưỡng xương, xảy ra chủ yếu do cơ thể thiếu Vitamin D, và 2 khoáng chất: Canxi và Phốt pho. Còi xương có thể xuất hiện ở cả trẻ nhỏ (còi xương ở trẻ nhỏ) và trẻ đang ở trong độ tuổi thiếu niên (còi xương ở tuổi thiếu niên), với tỷ lệ còi xương ở trẻ nhỏ (đặc biệt là trẻ 6 – 36 tháng tuổi) so với tỷ lệ còi xương ở tuổi thiếu niên là 2:1.

2. Còi xương hình thành do đâu?

Ngay từ trong khái niệm bệnh lý còi xương, chúng ta đã có thể thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng còi xương ở trẻ. Tại sao thiếu Vitamin D và/hoặc Canxi, Phốt pho, trẻ lại còi xương. Được biết, Canxi và Phốt pho là 2 khoáng chất chính giúp củng cố và xây dựng hệ xương khớp của cơ thể. Còn Vitamin D là Vitamin giữ vai trò không thể thay thế trong hỗ trợ cơ thể hấp thu Canxi và Phốt pho. Dễ hiểu khi, thiếu những Vitamin và/hoặc khoáng chất này, hệ xương khớp của cơ thể không phát triển hoặc phát triển kém. Ngoài Vitamin D, thiếu một loại Vitamin nữa là Vitamin K2 (MK – 7) cũng có thể làm tăng nguy cơ còi xương ở trẻ; bởi Vitamin K2 có nhiệm vụ hỗ trợ vận chuyển Canxi từ máu vào xương.

Thiếu Vitamin D là nguyên nhân khiến trẻ bị còi xương

Nguyên nhân khiến trẻ bị còi xương là do thiếu Vitamin D

Ngoài nguyên nhân chủ yếu phía trên, trẻ bị còi xương còn có thể là do một số nguyên nhân ít phổ biến hơn như sau: Yếu tố di truyền; mắc các bệnh xơ nang, bệnh Celiac; bệnh viêm ruột; bệnh thận (hay các bệnh có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hấp thụ và chuyển hóa dinh dưỡng của cơ thể); tác dụng phụ của thuốc, như thuốc kháng virus, thuốc chống động kinh,… (cũng ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hấp thụ và chuyển hóa dinh dưỡng của cơ thể); dậy thì sớm; lối sống thiếu lành mạnh (vận động ít, tiếp xúc với ánh mặt trời ít, uống nước ít, ngủ trễ,…).

3. Dấu hiệu nhận biết còi xương là gì?

Khi bị còi xương, trẻ có một số biểu hiện như: Thường xuyên quấy khóc, rất hay nôn trớ, trằn trọc, ngủ không ngon giấc, mồ hôi trộm ra nhiều, đặc biệt là tóc mọc vành khăn. Bên cạnh đó, còi xương ở trẻ sơ sinh còn được biểu hiện ở chỗ xương sọ mềm, kèm theo đầu bị bẹt cá trê, hoặc méo mó theo tư thế nằm, rồi thóp ở trẻ chậm liền, chậm mọc răng, nếu có mọc thì men răng xấu hoặc bị sún.

4. Còi xương ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?

Bệnh lý còi xương ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đến sự phát triển từ thể chất đến trí tuệ của trẻ. Cụ thể, bệnh còi xương gây dị dạng hệ xương khớp (chân vòng kiềng, chân chữ X, dị dạng xương chậu, gù/vẹo cột sống,…), tăng nguy cơ viêm phổi, hạn chế chức năng hô hấp,…

Còi xương làm dị dạng hệ xương - khớp của trẻ

Trẻ còi xương có thể sẽ bị dị dạng xương – khớp

5. Điều trị còi xương ra sao?

5.1. Chẩn đoán trẻ bị còi xương

Khi trẻ có các dấu hiệu còi xương đã được liệt kê trong mục 3. bố mẹ phải cho trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất ngay để trẻ được thăm khám, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời còi xương với chuyên gia.

Để chẩn đoán còi xương, trẻ cần thăm khám lâm sàng và thăm khám cận lâm sàng. Trong đó, thăm khám cận lâm sàng bao gồm: Xét nghiệm máu (xác định nồng độ Canxi, Phốt pho và các rối loạn di truyền nguyên nhân còi xương, nếu có), chụp X-quang (kiểm tra kích thước xương, các dị dạng và sự mở rộng của các vùng vô hóa,…), quét mật độ xương (xác định vị trí tồn tại xương yếu và đánh giá nguy cơ loãng, gãy xương trong tương lai),…

5.2. Điều trị trẻ bị còi xương

Điều trị còi xương phụ thuộc nhiều vào mức độ nặng – nhẹ của bệnh. Theo đó, nếu trẻ còi xương nhẹ, sẽ được chuyên gia chỉ định điều trị không dùng thuốc còn nếu trẻ bị còi xương nặng, sẽ được chuyên gia chỉ định điều trị dùng thuốc.

5.2.1. Điều trị không dùng thuốc

– Cho trẻ bú mẹ; ăn bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi: sữa, cua, tôm, cá trong các bữa ăn hàng ngày (cần xóa bỏ quan niệm cho trẻ ăn xương ống, xương chân gà sẽ chống được còi xương); cho dầu mỡ vào bữa ăn hàng ngày của trẻ: vì vitamin D là loại tan trong dầu, nếu chế độ ăn thiếu dầu mỡ thì dù có được uống vitamin D trẻ cũng không hấp thu được nên vẫn bị còi xương.

– Cho trẻ vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày. Các bộ môn thể thao phù hợp để trẻ còi xương vận động là bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội, đạp xe, yoga,…

– Cho trẻ tắm nắng hàng ngày: để chân, tay, lưng, bụng trẻ lộ ra ngoài từ 10 -15 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ).  Vitamin D có tác dụng điều hòa chuyển hóa và hấp thu canxi, phospho, ánh nắng mặt trời phải được chiếu trực tiếp trên da mới có tác dụng, nếu qua lần vải thì sẽ còn rất ít tác dụng.

Để cải thiện tình trạng còi xương, trẻ nên được tắm nắng mỗi ngày

Cho trẻ tắm nắng mỗi ngày 15 – 30 phút, trước 9h sáng

5.2.2. Điều trị dùng thuốc

Trẻ còi xương nặng, bên cạnh áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc phía trên, còn cần chủ động bổ sung Vitamin D, Canxi, Phốt pho, bằng một số thuốc như: Ergocalciferol, Sterogyl, Calci B1 – B2 – B6, Aquadetrim. Những cái tên cụ thể này chỉ dùng để tham khảo. Thực tế, thuốc cho trẻ còi xương nặng có thể khác nhau tùy từng trường hợp.

Phía trên là những điều bố mẹ phải làm khi nghi ngờ trẻ bị còi xương. Nếu còn băn khoăn cần giải đáp chi tiết, nhanh chóng, liên hệ Thu Cúc TCI, bố mẹ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital