Phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ

Lê Tú Anh

Bác sĩ Ngoại Tiêu Hóa

Mặc dù không quá nguy hiểm, bệnh lý này có tác động đáng kể đến sinh hoạt và chất lượng đời sống của người bệnh. Trĩ bao gồm trĩ nội, trĩ ngoại hoặc trĩ hỗn hợp (tình trạng kết hợp của trĩ nội và trĩ ngoại), mỗi loại trĩ sẽ có những triệu chứng và phương pháp điều trị khác nhau.

Menu xem nhanh:

1. Lý giải trĩ là gì – Gồm những loại trĩ nào?

Trĩ là một loại bệnh lý hậu môn trực tràng, hình thành do sự giãn ra quá mức ở các đám rối tĩnh mạch nằm quanh vùng hậu môn. Điều này gây ra sưng phồng, viêm nhiễm và khó chịu đáng kể cho người bệnh, gây ra những cảm giác đau rát và phiền toái.

Trĩ được chia thành trĩ nội và trĩ ngoại dựa trên vị trí của búi trĩ.

– Trĩ nội: Búi trĩ nằm trong ống hậu môn và tự trồi ra bên ngoài khi tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng.

– Trĩ ngoại: Búi trĩ nằm ngoài rìa hậu môn và tăng kích thước khi bệnh trở nặng, gây viêm nhiễm.

Bên cạnh đó, trĩ hỗn hợp là tình trạng cả trĩ nội và trĩ ngoại xuất hiện cùng một lúc, đôi khi kết hợp lại thành một búi.

Trĩ gây ra  nhiều phiền toái khó chịu cho bệnh nhân

Trĩ gây ra nhiều phiền toái khó chịu cho bệnh nhân

2. Nhận biết các loại trĩ dựa trên phân độ bệnh

2.1. Phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại: Phân độ của trĩ nội

Bệnh trĩ nội thường được chia ra thành 4 cấp độ khá rõ ràng như sau:

– Cấp độ 1: Búi trĩ ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành nằm bên trong hậu môn, vì vậy khó quan sát trực tiếp. Các nốt sần màu đỏ, mềm với nhiều kích thước được tìm thấy ở niêm mạc trực tràng trong quá trình nội soi. Cảm giác ngứa ngáy ở hậu môn, khó khăn khi đi đại tiện hoặc một số ít trường hợp đi đại tiện ra máu thường xuất hiện trong giai đoạn này.

– Cấp độ 2: Tình trạng chảy máu do trĩ bắt đầu trở nên nặng hơn. Búi trĩ có thể phát triển đến mức độ nhất định và lòi ra ngoài hậu môn, tuy nhiên vẫn tự co vào trong. Lúc này, kết quả nội soi thường cho thấy niêm mạc hậu môn dày hơn và búi trĩ bắt đầu tiết dịch.

– Cấp độ 3: Người bệnh sẽ bị ngứa ngáy, đau rát và rất khó chịu. Búi trĩ có kích thước lớn hơn và niêm mạc hậu môn dày hơn, búi trĩ có thể lòi ra ngoài mà không thể tự co lại vào trong, cần phải dùng tay đẩy trở lại bên trong.

– Cấp độ 4: Đây là mức độ nghiêm trọng của bệnh trĩ nội. Đến thời điểm này, búi trĩ đã sưng phồng và lòi ra ngoài, cản trở lưu thông máu. Do đó, không có máu chảy nữa, nhưng dịch nhầy tiết ra nhiều, gây viêm loét và thậm chí là hoại tử búi trĩ.

2.2. Phân biệt trĩ nội và trĩ ngoại: Phân độ của trĩ ngoại

Trĩ ngoại thường được chia thành các giai đoạn – thời kỳ bệnh như sau:

– Giai đoạn đầu: Do bệnh mới phát triển nên không có triệu chứng rõ ràng và khó nhận biết. Đôi khi, người bệnh chỉ cảm thấy hậu môn cộm và ngứa rát.

– Giai đoạn tiếp theo: Các búi tĩnh mạch ngoằn ngoèo xuất hiện do chúng bị lồi ra khỏi hậu môn. Người bệnh cảm thấy đau đớn và khó chịu trong quá trình đi đại tiện, và những trường hợp không được vệ sinh sạch sẽ thường dẫn đến viêm nhiễm.

– Giai đoạn thứ 3: Đại tiện có thể xuất hiện máu do búi trĩ bị tắc nghẹt, một vài trường hợp kèm theo nứt kẽ hậu môn hoặc các tình trạng khác. Trĩ ngoại gây ra cảm giác rất đau đớn bởi trĩ cọ xát vào quần áo trang phục, nhất là khi búi trĩ đã phát triển lớn.

– Giai đoạn 4: Ở giai đoạn bệnh trở nặng, búi trĩ tăng kích thước và sưng to, gây ngứa ngáy và khó chịu. Tình trạng nhiễm trùng cũng gây ra nhiều đau đớn trong mọi hoạt động của người bệnh.

Trĩ nội và trĩ ngoại

Hình ảnh mô tả trĩ

3. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh trĩ nói chung và từng loại trĩ

3.1. Dấu hiệu điển hình đa số bệnh nhân trĩ gặp phải

– Có thể thấy máu tươi chảy trực tràng hoặc ở hậu môn khi đi đại tiện hoặc lau chùi vùng hậu môn.

– Sự gia tăng liên tục của dịch nhầy gây ra cảm giác ẩm ướt, khó chịu và kích ứng.

– Thường xuyên ngứa hậu môn, đi vệ sinh gặp tình trạng rát gây khó khăn khi đẩy phân ra ngoài.

Ngoài những biểu hiện điển hình này, trĩ nội và trĩ ngoại thường có những dấu hiệu riêng.

3.2. Dấu hiệu riêng đặc trưng của trĩ nội

Mắc trĩ nội là khi các tĩnh mạch cuối trực tràng bị giãn, tạo thành một búi trĩ nổi trên thành niêm mạc mà bạn không thể nhìn thấy hoặc sờ thấy. Cho đến khi bệnh trở nên nặng hơn, búi trĩ mới có thể được cảm nhận rõ khi đi đại tiện.

Trĩ nội thường không gây đau đớn nghiêm trọng so với trĩ ngoại. Thay vào đó, trĩ nội thường có các triệu chứng như sau nhiều hơn trĩ ngoại:

– Tăng tiết dịch nhầy nhiều hơn, kèm theo cảm giác mót rặn và chưa đi hết phân nhưng không đẩy được phân ra ngoài hoàn toàn.

– Tình trạng chảy máu, máu giàu oxy và thường không kèm lẫn trong phân.

– Kích thước búi trĩ sẽ to ra theo mức độ bệnh, thường mềm và có màu hồng đỏ.

3.3. Dấu hiệu đặc trưng thường gặp khi mắc trĩ ngoại

Trĩ ngoại hình thành ở ngay bên ngoài hậu môn và nổi rõ lên quanh hậu môn. Kể cả khi búi trĩ còn nhỏ, nó vẫn dễ dàng nhìn thấy và sờ thấy. Cơn đau đớn do trĩ ngoại bắt đầu khi vùng hậu môn bên ngoài bị cọ vào quần áo hoặc ngồi quá lâu, đặc biệt là trên bề mặt cứng.

Các triệu chứng đặc trưng thường là những cơn đau đớn, sưng và ngứa ngáy vùng da quanh lỗ hậu. Người bệnh có thể nhìn thấy và sờ tay vào những cục nhỏ quanh mép hậu môn. Ngoài ra, trĩ ngoại cũng có chảy máu, tuy nhiên lượng máu thường ít hơn so vs trĩ nội. Tình trạng rò rỉ phân và tăng tiết dịch nhầy cũng tương tự, có xảy ra nhưng ít hơn so với tình trạng trĩ nội.

Về hình ảnh, búi trĩ nội và trĩ ngoại khá giống nhau và bệnh nhân cần thăm khám bác sĩ để chắc chắn bản thân đang mắc trĩ loại gì, điều trị như thế nào cho phù hợp.

Bệnh nhân nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả

Bệnh nhân nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả

Nhìn chung, trĩ nội và trĩ ngoại cũng như trĩ hỗn hợp sẽ không gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng cuộc sống cũng như thuận tiện trong công việc và sinh hoạt hàng ngày, bệnh nhân cần đi thăm khám sớm để có phương án điều trị an toàn, hiệu quả và thoát trĩ dứt điểm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital