Những xét nghiệm tầm soát ung thư “đáng giá” phụ nữ nên làm

Theo Báo 24h.com.vn: Theo bác sĩ Đỗ Tuyết Mai – Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc, hầu hết các loại ung thư đều có thể phát hiện sớm được nhờ tầm soát. Thậm chí, ung thư vú – một trong những loại có tỉ lệ tử vong cao ở nữ còn có khả năng chữa khỏi lên tới 94% nếu được phát hiện sớm.
“Chúng tôi hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân ung thư, có những trường hợp rất đáng tiếc. Các bạn còn trẻ, chưa lập gia đình mà đã phải cắt bỏ buồng trứng, hay vú mà vẫn không duy trì được lâu dài…Nhìn đôi mắt thẫn thờ của các bạn, chúng tôi hiểu, nỗi đau mà các bạn phải chịu về mặt tâm lý lớn hơn rất nhiều. Điều đó thật sự ám ảnh….”- Bác sĩ Mai chia sẻ
Ai cũng quan tâm đến sức khỏe của mình, cũng tìm mọi cách để phòng tránh các nạn thực phẩm bẩn, ô nhiễm môi trường, nhưng lại bỏ qua các khuyến cáo khám bệnh định kỳ do tâm lý e ngại, do thấy khỏe sao phải khám. Đặc biệt là chị em phụ nữ với nỗi lo khi khám các vùng kín. Hãy vượt qua nỗi sợ đó vì sức khỏe và hạnh phúc của chính mình với ít nhất 6 loại xét nghiệm phụ nữ nên làm, đặc biệt là phụ nữ từ 40 tuổi trở lên đó là chụp X-quang vú, xét nghiệm Pap, xét nghiệm HPV, xét nghiệm tầm soát ung thư buồng trứng, chụp CT phổi và nội soi đại trực tràng . Khám  tầm soát ung thư dành cho nữ không “ngại” như các bạn nghĩ:
1. Chụp X quang vú: tầm soát bệnh ung thư vú

tam-soat-ung-thu

Chụp X-quang tuyến vú là bước quan trọng trong tầm soát ung thư vú.

Thời gian gần đây, chị Tuệ Minh (45 tuổi ở La Khê, Hà Đông) thỉnh thoảng lại thấy đau nhói ở vú phải. Lo lắng, nhiều lần chị đến bệnh viện rồi lại quay xe về, tự khám theo hướng dẫn nhưng không thấy có u cục gì bất thường. Đến khi có cơn đau liên tục chị mới đành đến khám, khi được chỉ định chụp XQuang đã phát hiện ra khối u trong vú… Trường hợp như của chị Minh không phải là hiếm. Đa số chị em phụ nữ đều ngại, không muốn khám chụp ở những khu vực nhạy cảm. Nên thường để đến khi có triệu trứng bệnh mới đi khám thì đã nhiều trường hợp quá trễ.
Theo ông Phạm Thái Sơn, trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viên Thu Cúc,  chụp X – quang tuyến vú là một phương pháp thăm khám sàng lọc, giúp phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm ngay cả khi bệnh nhân chưa sờ thấy khối. Vì thế, ở nhiều quốc gia trên thế giới, chụp X – quang vú được đưa vào chương trình khám sàng lọc, chứ không phải đơn thuần có triệu chứng đau mới được chỉ định phương pháp này. “Cấu trúc tuyến vú được tia X ghi lại rất rõ ràng, giúp bác sĩ có thể nhìn thấy trên hình ảnh X – quang các dấu hiệu nghi ngờ có khối u, dù nó còn rất nhỏ”.
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), nên chụp X – quang tuyến vú sàng lọc cho tất cả các phụ nữ từ 50 tuổi trở lên với tần suất 1 lần trong khoảng từ 1-2 năm. Còn với Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ thì áp dụng sàng lọc cho nhóm tuổi trẻ hơn, từ 40 tuổi. Riêng những phụ nữ có yếu tố nguy cơ như người trong gia đình có người bị ung thư vú, phụ nữ béo phì, tiểu đường, không sinh con, không cho con bú thì cần được chụp X – quang vú sớm hơn 5 năm so với khuyến cáo.
2. Xét nghiệm Papsmear: tầm soát ung thư cổ tử cung

tam-soat-ung-thu

Xét nghiệm Pap có thể giảm nguy cơ bị chẩn đoán mắc Ung thư cổ tử cung tới 96%

Phết tế bào cổ tử cung (Papsmear hay còn gọi là Pap) là một xét nghiệm tế bào học để tìm những tế bào bất thường trong lớp biểu mô cổ tử cung. Mục đích của việc này là để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Đây là một trong những bệnh ung thư gặp nhiều nhất ở phụ nữ, đặc biệt là ở Việt Nam. Bác sĩ sẽ sử dụng một dụng cụ gọi là mỏ vịt để mở rộng âm đạo và dùng dụng cụ chuyên biệt nhẹ nhàng lấy mẫu tế bào tử cung. Việc kiểm tra này không gây đau mà chỉ có cảm giác hơi khó chịu và áp lực lên vùng xương chậu. Các mẫu tế bào này sau đó được đem đi xét nghiệm. Xét nghiệm Papsmear không chỉ giúp phát hiện ung thư mà còn tìm ra những biến đổi tiền ung thư để có hướng xử trí kịp thời.
Chị em nên làm xét nghiệm Pap từ 21 tuổi nếu đã có quan hệ tình dục. Phụ nữ 30 tuổi trở lên cần kết hợp làm xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV định kì 2 năm/lần.
3. Xét nghiệm HPV: phát hiện loại virus gây ung thư cổ tử cung
Cùng với Pap, xét nghiệm HPV được khuyến khích cho phụ nữ trên 30 tuổi để phát hiện nhiễm loại virus gây ung thư cổ tử cung HPV. Hầu hết phụ nữ đã quan hệ tình dục (khoảng 80%) đều nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tuy nhiên, virus HPV gồm nhiều chủng loại mà không phải loại nào cũng gây ung thư. Hiện người ta đã biết đến hơn 100 chủng HPV, nhưng chỉ một số loại gây nhiễm trùng dai dẳng trong đó có chủng HPV 16, HPV 18 có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với HPV, người bệnh có thể cần làm thêm xét nghiệm như soi cổ tử cung, định loại HPV, xét nghiệm Pap, hoặc bác sĩ yêu cầu kiểm tra Pap thường xuyên hơn để theo dõi.
4. Xét nghiệm phân và nội soi: tầm soát ung thư đại trực tràng

tam-soat-ung-thu

Nội soi đại tràng giúp phát hiện các tổn thương, polyp ở đại tràng và trực tràng. Các bác sĩ có thể loại bỏ polyp trong quá trình nội soi giúp ngăn ung thư phát triển.

Ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ, đứng hàng thứ 3 trong top các loại ung thư gây tử vong ở phụ nữ nhiều nhất. Tầm soát ung thư đại trực tràng không chỉ giúp phát hiện bệnh sớm, giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp  phòng bệnh nhờ việc tìm ra các Polyp để xử trí kịp thời. Các xét nghiệm tầm soát ung thư đại trực tràng bao gồm: xét nghiệm tìm máu trong phân, nội soi đại trực tràng giúp phát hiện ra bướu thịt hoặc dạng tăng sinh khác của các biểu mô trong lòng đại trực tràng. Nội soi đại trực tràng rất cần thiết cho nữ giới, đặc biệt quan trọng với những người trên 40 tuổi.
5. Xét nghiệm tầm soát ung thư buồng trứng

tam-soat-ung-thu

Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng nên quan tâm tới việc tầm soát ung thư buồng trứng.

Bạn có biết, gần 80% ung thư buồng trứng chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển do ung thư buồng trứng hiếm khi có các triệu chứng hay dấu hiệu, hoặc nếu có cũng thường rất nhẹ và biểu hiện qua các cơ quan khác như cơ quan tiêu hóa. Các triệu chứng có xu hướng phát triển chỉ khi ung thư tiến triển nặng. Vì vậy, tầm soát ung thư buồng trứng là việc làm cần thiết với bất kỳ phụ nữ nào và đặc biệt có ý nghĩa với những người có tiền sử gia đình liên quan đến bệnh này. Các xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng màu, siêu âm phần phụ..vv sẽ giúp phát hiện ung thư buồng trứng giai đoạn sớm. Tỷ lệ chữa khi bệnh ở giai đoạn đầu lên tới hơn 90% trong khi ở giai đoạn muộn, hi vọng sống là rất hiếm hoi
6. Chụp CT: xét nghiệm tầm soát ung thư phổi
“Hút thuốc” thụ động do hít khói thuốc lá còn nguy hiểm hơn rất nhiều so với hút thuốc lá trực tiếp vì khói thuốc lá, thuốc lào đã được phân loại là chất gây ung thư bảng A. Khói thuốc chứa hơn 4.000 loại hóa chất, trong đó có hơn 200 loại độc hại và có ít nhất 69 loại được biết đến như tác nhân gây ung thư ở người. Do vậy tỉ lệ tử vong do ung thư phổi thuộc hàng cao nhất chiếm tới 26%.
Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư phổi ở phụ nữ ngày càng nhiều và độ tuổi có xu hướng trẻ hóa. Theo Viện Ung thư Quốc gia, chủ động tầm soát ung thư phổi ở nữ mang lại lợi ích rất lớn, giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư phổi tới 20%. Một trong những xét nghiệm có giá trị cao trong tầm soát ung thư phổi là chụp CT liều thấp.
Cũng theo bác sĩ Đỗ Tuyết Mai, ngoài những xét nghiệm nêu trên, phụ nữ cũng nên tầm soát ung thư tổng thể để phát hiện các loại bệnh ung thư khác bởi ung thư có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên cơ thể. Xem thêm các gói tầm soát ung thư tổng quát

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital