Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh sỏi mật

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Bệnh sỏi mật là sự kết tụ thành khối rắn chắc của các thành phần trong dịch mật, có thể được hình thành ở nhiều vị trí khác nhau trong hệ thống dẫn mật. Để hiểu hơn về căn bệnh này bạn có thể tham khảo những thông tin dưới đây.

1. Sỏi túi mật có do đâu?

Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh sỏi mật

Sỏi túi mật được phân loại thành 3 dạng sỏi khác nhau

1.1 Bệnh sỏi túi mật là gì, và phân loại

Túi mật là một cơ quan nhỏ nằm ở phần trên bên phải bụng ngay dưới gan, tham gia vào quá trình hỗ trợ tiêu hóa của cơ thể. Chức năng chính là lưu trữ mật, hỗ trợ hệ thống tiêu hóa phân hủy chất béo.

Sỏi túi mật được hình thành do sự mất cân bằng trong dịch mật, tạo nên các tinh thể rắn trong túi mật. Sỏi có kích thước đa dạng, có thể làm tắc nghẽn con đường vận chuyển dịch mật, dẫn đến nhiều vấn đề cho sức khỏe.

Bệnh sỏi mật được phân chia gồm 3 loại chính là:

– Sỏi cholesterol: thành phần sỏi có chứa ít nhất 80% cholesterol, sỏi có màu vàng nhạt, xanh đậm, nâu hoặc trắng phấn, dài từ 2-3cm, mỗi viên có một đốm nhỏ sẫm màu ở trung tâm.

– Sỏi sắc tố mật (sỏi bilirubin): thành phần sỏi chứa ít hơn 20% cholesterol, thường hình thành với số lượng lớn. Kích thước nhỏ, sẫm màu, sỏi thường có màu đen.

– Sỏi hỗn hợp: thành phần sỏi chứa 20-80% cholesterol, còn lại là canxi cacbonat, palmitat photphat, bilirubin và các sắc tố mật khác. Sỏi có sắc tố màu nâu. Loại sỏi này thường hình thành thứ phát sau nhiễm trùng đường mật.

1.2 Bệnh sỏi túi mật có do đâu?

Sỏi có trong túi mật được hình thành do những nguyên nhân sau đây:

– Dịch mật chứa quá nhiều cholesterol: Dịch mật tham gia vào quá trình hỗ trợ tiêu hóa, có khả năng hòa tan cholesterol. Song, nếu cholesterol dư thừa không được hòa tan hết, sỏi có thể hình thành.

– Dịch mật chứa quá nhiều bilirubin: Các tình trạng như xa gan, rối loạn lipid máu có thể khiến gan sản xuất quá nhiều bilirubin dẫn đến bệnh sỏi túi mật hình thành.

– Dịch mật cô đặc, tạo thành sỏi mật.

Các yếu tố nguy cơ thúc đẩy hình thành sỏi mật là: người béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo, cholesterol, ít chất xơ, lười vận động, bệnh tiểu đường, bệnh Crohn, xơ gan, sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormone…

2. Triệu chứng của bệnh sỏi mật

80% trường hợp bệnh sỏi mật không có triệu chứng. Một số người bệnh có thể xuất hiện những dấu hiệu mơ hồ như chán ăn, sợ mùi dầu mỡ hoặc đắng miệng, khô họng, buồn nôn… 20% còn lại có triệu chứng khi đã bị biến chứng, với các dấu hiệu điển hình như:

– Đau bụng: Đau do sỏi mật thường khởi phát sau bữa ăn chứa nhiều dầu mỡ, hoặc vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ. Ban đầu có thể người bệnh đau hạ sườn phải, sau đó lan ra bả vai phải và ra sau lưng. Cơn đau có thể âm ỉ tuy nhiên cũng có thể rất dữ dội, kéo dài vài giờ cho đến vài ngày.

– Sốt: Đau do sỏi mật thường kèm theo sốt do viêm đường mật, túi mật. Sốt có thể xảy ra trước hay sau cơn đau, kéo dài vài giờ, có khi vài tuần, hàng tháng.

– Vàng da: Vàng da, vàng mắt có thể xảy ra sau đau và sốt 1 – 2 ngày do sỏi gây tắc mật, kèm theo ngứa, nước tiểu vàng, phân bạc. Vàng da mất đi chậm hơn so với đau và sốt.

Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh sỏi mật

Đau bụng là một triệu chứng của bệnh sỏi túi mật

3. Biến chứng do sỏi mật

– Sỏi có thể gây tắc nghẽn dịch mật thành từng đợt, nếu kéo dài sẽ dẫn đến bệnh viêm đường mật, túi mật (90% người bệnh bị sỏi đường mật nhập viện là do viêm đường mật, túi mật) cấp hoặc mạn tính, viêm tụy cấp, nặng hơn nữa là sốc do nhiễm trùng đường mật, hoại tử túi mật, nhiễm khuẩn huyết… Nếu không xử trí kịp thời, nhanh chóng người bệnh có thể tử vong.

– Sỏi gan có thể gây ứ mật trong gan, gây áp xe gan, xơ gan và cuối cùng dẫn đến suy gan làm giảm khả năng chuyển hóa trong cơ thể.
– Tắc nghẽn ống tụy: Ống tụy đưa dịch tụy đi hỗ trợ tiêu hóa có thể bị tắc nghẽn do sỏi mật, dẫn đến viêm tụy, gây đau bụng dữ dội.

– Ung thư túi mật: Các trường hợp có tiền sử mắc sỏi túi mật sẽ có nguy cơ mắc ung thư túi mật cao hơn so với người bình thường.

4. Cách phòng tránh bệnh sỏi túi mật

Một chế độ ăn uống lành mạnh và luyện tập thể dục thể thao đều đặn sẽ giúp bạn phòng bệnh sỏi túi mật hiệu quả.

– Nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau củ, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt…

– Ăn thực phẩm giày chất béo lành mạnh, tránh sử dụng quá nhiều thực phẩm chứa chất béo bão hòa, trans fat như đồ chiên rán, thức ăn nhanh…

– Hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường và carbohydrate tinh chế.

– Luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để cơ thể hạn chế tích tụ chất béo…

Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh sỏi mật

Khám sức khỏe định kỳ là giải pháp hàng đầu bảo vệ sức khỏe, dự phòng các bệnh lý về gan mật hiệu quả

Đặc biệt, bạn cũng nên chủ động thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ hàng năm để kiểm tra các chỉ số sức khỏe như mức độ cholesterol, các tình trạng bệnh lý tiểu đường, rối loạn lipid máu, chức năm gan… tránh nguy cơ mắc sỏi túi mật.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital