Viêm đường tiết niệu ở trẻ: Những thông tin cơ bản

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Viêm đường tiết niệu ở trẻ không được điều trị kịp thời, có thể biến chứng đến viêm quanh thận, viêm kẽ thận, suy thận, hoại tử ống thận – bể thận, nhiễm trùng máu,… Trẻ nhỏ không được vệ sinh đường tiểu đúng cách hoặc trẻ nhỏ gặp một số vấn đề sức khỏe liên quan đến đường tiểu rất dễ viêm đường tiết niệu.

1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

1.1. Nguyên nhân viêm đường tiết niệu ở trẻ

Nguyên nhân khởi phát viêm đường tiết niệu được xác định là vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng,… Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là vi khuẩn E.coli. Các nguyên nhân viêm đường tiết niệu ít phổ biến hơn là vi khuẩn Klebsiella, Pseudomonas aeruginosa và Enterococci,… Các loại vi khuẩn này tồn tại xung quanh hậu môn. Khi chúng theo niệu đạo vào bàng quang, trẻ miễn dịch kém hoặc suy giảm sẽ viêm đường tiết niệu.

Nguyên nhân khởi phát viêm đường tiết niệu ở trẻ phổ biến nhất là vi khuẩn E.coli

Vi khuẩn E.coli là nguyên nhân khởi phát viêm đường tiết niệu phổ biến nhất

1.2. Yếu tố nguy cơ viêm đường tiết niệu ở trẻ

Viêm đường tiết niệu có một số yếu tố nguy cơ. Theo đó, nếu rơi vào một trong những trường hợp sau, nguy cơ trẻ viêm đường tiết niệu là cao hơn so với bình thường:

– Trẻ nữ: Do niệu đạo ngắn, lỗ tiểu gần với hậu môn hơn trẻ nam, nên vi khuẩn ở hậu môn dễ xâm nhập lỗ tiểu và niệu đạo trẻ nữ hơn trẻ nam.

– Trẻ dưới 2 tuổi: Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện

– Có các bệnh lý đường tiết niệu khác như sỏi bàng quang

– Chít hẹp đường dẫn nước tiểu, như chít hẹp khúc nối bể thận niệu quản, chít hẹp bao quy đầu.

– Dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh

– Bàng quang thần kinh: Là tình trạng bàng quang giãn to, mất hoặc rối loạn trương lực co bóp

– Suy giản miễn dịch

2. Dấu hiệu nhận biết

Viêm đường tiết niệu biểu hiện qua tình trạng trẻ:

– Sốt, từ nhẹ đến cao: Trẻ viêm đường tiết niệu dưới (viêm bàng quang) thường không sốt hoặc sốt nhẹ. Ngược lại, trẻ viêm đường tiết niệu trên (viêm bể thận, viêm thận) thường sốt cao, trên 39 độ C, liên tục khó hạ.

– Rối loạn tiểu tiện: Tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều về đêm, nước tiểu trắng đục (một số trường hợp trẻ tiểu ra toàn mủ trắng), nhiều cặn lắng đọng và nặng mùi hơn bình thường.

Rối loạn tiêu hóa: Nôn hoặc tiêu chảy

– Biếng ăn, kém chơi, quấy khóc.

Trẻ viêm đường tiết niệu thường biếng ăn, kém chơi, quấy khóc.

Viêm đường tiết niệu làm trẻ biếng ăn, kém chơi, quấy khóc.

3. Biến chứng

Viêm đường tiết niệu là một bệnh lý nguy hiểm, đòi hỏi phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nếu không, trẻ có thể viêm quanh thận, viêm kẽ thận, suy thận, hoại tử ống thận – bể thận, nhiễm trùng máu, thậm chí là tử vong.

4. Chẩn đoán và điều trị

Nếu nghi ngờ trẻ viêm đường tiết niệu, bố mẹ phải đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất ngay, để trẻ được thăm khám và điều trị kịp thời.

4.1. Chẩn đoán

Để chẩn đoán xác định viêm đường tiết niệu, trẻ được chỉ định lấy mẫu bệnh phẩm là nước tiểu, dùng cho việc:

– Phân tích nước tiểu: Nước tiểu được kiểm tra bằng một que thử đặc biệt để tìm kiếm các dấu hiệu nhiễm trùng, như sự tồn tại của máu và bạch cầu. Ngoài ra, chuyên gia có thể sẽ soi nước tiểu dưới kính hiển vị để tìm kiếm vi khuẩn hoặc mủ.

– Nuôi cấy nước tiểu: Diễn ra trong phòng thí nghiệm, trong 24 – 48 giờ, được thực hiện nhằm xác định loại và lượng vi khuẩn nguyên nhân gây viêm đường tiết niệu.

Ngoài ra, chuyên gia còn có thể chỉ định trẻ thực hiện một vài thăm khám cận lâm sàng khác để xác định xem viêm đường tiết niệu có phải hay không phát sinh do các bất thường đường tiết niệu: Siêu âm thận và bàng quang, chụp X-quang bàng quang – niệu đạo ngược dòng, xạ hình thận bằng DMSA, chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) hoặc cộng hưởng từ (MRI) thận và bàng quang.

4.2. Điều trị

Tùy thuộc tuổi của trẻ và mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà chuyên gia sẽ chỉ định phương pháp điều trị viêm đường tiết niệu phù hợp. Nếu bệnh được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ đơn giản và đạt hiệu quả tốt hơn, trẻ có thể phục hồi nhanh chóng hơn.

Mục đích của quá trình điều trị viêm đường tiết niệu là vô khuẩn hóa nước tiểu khẩn cấp đồng thời ngăn ngừa sẹo hóa thận. Thông thường, nếu trẻ bị viêm đường tiết niệu thể nhẹ, bác sĩ sẽ kê một số thuốc kháng sinh đường uống cho trẻ sử dụng tại nhà, như: Amoxicillin, Amoxicillin và axit clavulanic, Cephalosporin, Doxycycline (dành cho trẻ trên 8 tuổi), Nitrofurantoin, Sulfamethoxazole-trimethoprim. Trong trường hợp đường tiết niệu viêm nặng, trẻ phải nhập viện điều trị bằng kháng sinh tiêm/truyền tĩnh mạch. Cụ thể, một số trường hợp trẻ phải điều trị nội trú: Thứ nhất, trẻ dưới 6 tháng tuổi. Thứ hai, trẻ sốt cao liên tục, khó hoặc không hạ. Thứ ba, trẻ có nguy cơ viêm thận. Thứ tư, trẻ nhiễm trùng máu. Thứ năm, trẻ nôn trớ hoặc không thể uống thuốc vì bất kỳ lý do nào khác.

Đường tiết niệu viêm nặng, trẻ phải nhập viện điều trị

Trẻ phải nhập viện điều trị nếu đường tiết niệu viêm nặng

Viêm đường tiết niệu nếu được điều trị đúng hướng, kịp thời sẽ nhanh chóng khỏi bệnh. Tuy nhiên, việc điều trị dự phòng và tránh tái phát cũng cần phải được lưu ý:

– Các bậc phụ huynh nên vệ sinh cho trẻ thường xuyên, đúng cách, sau khi trẻ vệ sinh xong phải lau rửa kỹ, theo nguyên tắc từ trước ra sau.

– Cần cho trẻ uống nước đủ, không để trẻ nhịn tiểu tránh tình trạng nước tiểu ứ đọng trong bàng quang. Cho trẻ ăn nhạt, bổ sung hoa quả và rau tươi vào trong chế độ ăn hàng ngày cho trẻ.

Phía trên là những thông tin cơ bản về viêm đường tiết niệu. Hy vọng rằng với chúng, bố mẹ có thể bảo vệ trẻ an toàn trước viêm đường tiết niệu. Liên hệ Thu Cúc TCI ngay, nếu bố mẹ còn thắc mắc cần giải đáp, bố mẹ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital