Cách nhận biết trẻ bị lồng ruột

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI
Lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em, xảy ra khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là tuổi 5 – 9 tháng. Trẻ trên 2 tuổi, tỷ lệ mắc rơi vào khoảng 15%.

1. Nguyên nhân nào gây nên lồng ruột?

Lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận

Lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột chui vào lòng của một đoạn ruột kế cận.

Lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột không ở vị trí bình thường mà “chui” vào trong lòng một đoạn ruột kế cận kèm theo cả các mạch máu nuôi dưỡng đoạn ruột đó.

Theo thống kê, có tới 90% các ca lồng ruột không xác định rõ nguyên nhân. Một số trường hợp được cho là do các khối u, polyp xuất hiện trong ruột. Các yếu tố này có thể làm thay đổi nhu động của ruột dẫn đến việc các đoạn ruột “chui” vào nhau. Viêm nhiễm của ruột cũng là một tác nhân thuận lợi dẫn đến lồng ruột. Trong một số nghiên cứu, các chuyên gia đã nhận thấy tỷ lệ lồng ruột khá cao ở trẻ em bị nhiễm Rotavirus, loại virut thường gây nôn, tiêu chảy cấp ở trẻ. Các yếu tố như tiêu chảy kéo dài, các sẹo tổn thương ở ruột, dính ruột… cũng có thể là tác nhân dẫn đến lồng ruột mặc dù chưa được chứng minh rõ ràng. Bên cạnh đó, những bất thường về giải phẫu ở ruột, tiền sử đã bị lồng ruột,… cũng là những yếu tố dẫn tới nguy cơ cao bị lồng ruột.

2. Các biểu hiện cần lưu ý

Trẻ bị lồng ruột thường có triệu chứng đau bụng, buồn nôn,...

Trẻ bị lồng ruột thường có triệu chứng đau bụng, buồn nôn,….

Trẻ bị lồng ruột thường có những dấu hiệu như:

  • Đau bụng: Trẻ có biểu hiện đau bụng theo từng cơn, bố mẹ có thể nhận biết bằng cơn khóc thét xuất hiện đột ngột, dữ dội của trẻ, trẻ ưỡn người, xoắn vặn, cơn đau có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú.
  • Nôn: Nôn ra thức ăn ở giai đoạn đầu, ở giai đoạn muộn trẻ có thể nôn ra dịch xanh hay dịch vàng.
  • Đại tiện ra máu: Trẻ có thể đại tiện ra máu đỏ hoặc nâu, đại tiện ra máu có thể xuất hiện sớm hoặc ngay sau cơn đau thậm chí xuất hiện muộn sau 24h. Xuất hiện 95 % ở trẻ còn bú.
  • Đại tiện máu cùng với nôn và thoát dịch vào lòng ruột là các yếu tố quan trọng góp phần làm giảm thể tích tuần hoàn vì thế cha mẹ cần đặc biệt lưu ý.

3. Trẻ bị lồng ruột điều trị như thế nào?

Trẻ cần được đưa đi thăm khám và điều trị ngay khi nghi ngờ bị lồng ruột

Trẻ cần được đưa đi thăm khám và điều trị ngay khi nghi ngờ bị lồng ruột

Khi phát hiện trẻ có những biểu hiện bất thường như trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ nhanh chóng thăm khám và làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, siêu âm ổ bụng, chụp XQ…. Khi đã chắc chắn bị lồng ruột, các biện pháp tháo khối lồng bằng bơm hơi hoặc barium, thậm chí bằng phẫu thuật sẽ được thực hiện. Đồng thời với các biện pháp này, trẻ còn có thể được bù thêm dịch, cho kháng sinh, nuôi dưỡng, đặt ống thông dạ dày cho bụng đỡ trướng…

Do nguyên nhân thực sự dẫn đến lồng ruột ở trẻ chưa được rõ ràng nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu nào. Vì vậy, tốt nhất vẫn là nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện sớm lồng ruột, tránh các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital