Bệnh viêm màng phổi cấp tính và những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ
Bệnh viêm màng phổi cấp tính diễn tiến nhanh chóng, gây tổn thương màng phổi toàn thể hoặc khu trú. Bệnh có nguyên nhân từ vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu, phế cầu, trực khuẩn lao, amip… Cùng tìm hiểu cách nhận biết sớm các triệu chứng viêm màng phổi để sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời. 

1. Viêm màng phổi cấp tính là gì?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, màng phổi là lớp màng mỏng bao gồm 2 lớp: lớp lót bên trong thành ngực và lớp bao phủ lá phổi. Giữa 2 lớp này là khoang màng phổi chứa dịch giúp phổi và thành ngực có thể di chuyển nhẹ nhàng trong khi thực hiện hít thở. Viêm màng phổi xảy ra khi các lớp màng phổi hoặc khoang màng phổi bị viêm do một tác nhân nào đó.

Trong đó, viêm màng phổi cấp tính thường xảy ra do một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp với sự tấn công của các loại virus. Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác gây viêm màng phổi có thể kể đến bao gồm:

– Các nhiễm trùng do vi khuẩn, thường gặp nhất như viêm phổi hoặc lao

– Các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus…

– Chấn thương ở ngực

– Tình trạng thuyên tắc phổi

– U phổi, màng phổi

– Sự lan rộng của viêm phổi do vi khuẩn

viêm màng phổi là bệnh gì?

Viêm màng phổi xảy ra khi các lớp màng phổi hoặc khoang màng phổi bị viêm do virus hoặc các tác nhân khác

2. Triệu chứng

2.1 Các triệu chứng phổ biến

Khi bị viêm màng phổi, người bệnh thường sẽ có cảm giác đau nhói ở ngực khi thở, đau cơ bắp ở ngực. Tình trạng đau ngực càng trầm trọng khi bệnh nhân thở sâu hoặc ho. Bởi lúc này 2 lá màng phổi vốn bị viêm bị cọ xát lên nhau.

Các triệu chứng sớm của bệnh có thể gặp là:

– Sốt, ớn lạnh, cảm lạnh

– Ho khan kéo dài dai dẳng

– Tiếng thở khò khè, nặng nhọc

– Nặng ngực

– Xanh xao, mệt mỏi, luôn có cảm giác thiếu sức sống

Nếu cơn đau ngực không giảm hay biến mất sau vài ngày; đau nhiều ngày đến nhiều tuần; ho ra máu; khó thở, thở nhanh, cần đi khám ngay.

2.2 Viêm mang phổi sinh mủ có nguy hiểm không?

Một trong những điểm đáng chú ý của bệnh viêm màng phổi cấp là viêm màng phổi sinh mủ. Các bác sĩ cho biết, các bệnh có thể gây viêm mủ màng phổi thường gồm: viêm phổi, ung thư phổi bội nhiễm, áp-xe phổi, giãn phế quản, tắc động mạch phổi bội nhiễm, dị vật phổi, bóng khí phổi bội nhiễm, nấm phổi, rò khí – phế quản, viêm xương sườn, áp-xe vú, áp-xe gan…

Viêm mủ màng phổi cấp tính có các triệu chứng điển hình là đau ngực, khó thở, ho khan. Hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc với các biểu hiện sốt cao, đau đầu, mất ngủ, kém ăn, sút cân… Khi xét nghiệm bạch cầu trong máu tăng cao. Chụp xquang có hình ảnh tràn dịch khoang màng phổi. Các bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút màng phổi, nuôi cấy tìm vi khuẩn trong mủ và làm kháng sinh đồ để xác định chẩn đoán.

Triệu chứng thường gặp của viêm màng phổi cấp tính

Ho khan, khó thở là những triệu chứng thường gặp của viêm màng phổi cấp

3. Các phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm màng phổi cấp

3.1. Chẩn đoán viêm màng phổi cấp tính

Bệnh viêm màng phổi được chẩn đoán bằng các phương pháp sau:

Xét nghiệm máu: kiểm tra xem người bệnh có bị nhiễm trùng không, tình trạng nhiễm trùng chỉ xảy ra ở phổi hay cả cơ quan khác.

– Chụp X-quang tim phổi: phương pháp này giúp đánh giá sơ bộ tổn thương và tiên lượng bệnh.

– Chụp CT: Hình ảnh CT phổi sẽ chi tiết hơn so với X-quang, vì thế giúp chẩn đoán tổn thương dễ dàng hơn.

– Siêu âm: Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh tần số cao chiếu qua vùng ngực, giúp quan sát cấu trúc bên trong, xác định tình trạng các bất thường khác tại màng phổi.

Điện tâm đồ: Giúp theo dõi nhịp tim, xác định hoặc loại trừ nguyên nhân tim mạch gây đau tức ngực hoặc xác định biến chứng tim mạch ở bệnh nhân bị viêm màng phổi.

3.2 Điều trị viêm màng phổi cấp tính

Sau khi xác định nguyên nhân gây bệnh và mức độ viêm nhiễm, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp. Thông thường, việc điều trị viêm màng phổi sẽ phụ thuộc chủ yếu dựa theo tác nhân gây bệnh. Nếu vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh, liệu trình kháng sinh thích hợp (kháng sinh đồ) sẽ giúp tiêu diệt vi khuẩn nhanh chóng. Nếu tác nhân là virus, bệnh nhân chủ yếu được điều trị triệu chứng để cải thiện bệnh và hỗ trợ hệ miễn dịch.

Đau ngực là triệu chứng điển hình với bệnh nhân bị viêm màng phổi. Để giảm các cơn đau này, bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc như kháng viêm không Steroid với liều lượng thích hợp. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với thuốc, có thể kê thuốc giảm đau như Paracetamol hoặc Codeine để thay thế.

Ngoài ra, cần nâng cao thể trạng bằng việc ăn uống tốt, truyền đạm, truyền máu. Trong trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật để lau và hút sạch mủ, tạo hình thành ngực.

chẩn đoán và điều trị viêm màng phổi

Các phương pháp chẩn đoán hiện đại giúp xác định chính xác nguyên nhân gây viêm và hướng điều trị.

Để việc đạt hiệu quả cao, người bệnh cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa giỏi, lựa chọn đúng các địa chỉ khám chữa bệnh uy tín, chất lượng để tiến hành khám chữa. Để biết thêm thông tin cũng như để được tư vấn trực tiếp về bệnh viêm màng phổi cấp, bạn đọc vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0936 388 288 hoặc 1900 55 88 92 để được giải đáp.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital