Bệnh suy tuyến giáp có nguy hiểm không?

Tham vấn bác sĩ

Bệnh suy tuyến giáp là hội chứng giảm hormone tuyến giáp thường gặp ở phụ nữ. Vậy câu hỏi được đặt ra là: Bệnh suy tuyến giáp có nguy hiểm không?

1. Bệnh suy tuyến giáp: Nguyên nhân, triệu chứng bệnh?

1.1. Bệnh suy tuyến giáp là gì?

Suy tuyến giáp là hội chứng đặc trưng bằng tình trạng suy giảm chức năng tuyến giáp, sản xuất hormon tuyến giáp không đầy đủ so với nhu cầu của cơ thể, gây nên tổn thương ở các mô, cơ quan, các rối loạn chuyển hoá trên lâm sàng và xét nghiệm.

Bệnh thường gặp ở phụ nữ, chiếm tỷ lệ 2% trong khi ở nam giới chỉ có 0,1%. Suy giáp bẩm sinh gặp ở 1/5000 trẻ sơ sinh. Khi bệnh còn nhẹ thường ít được lưu ý nên hay bị bỏ sót vì vậy bệnh nhân thường đến với thầy thuốc khi bệnh cảnh lâm sàng đã rõ.

Bệnh suy tuyến giáp là gì?

Bệnh suy giáp gây rối loạn hoạt động của tuyến giáp và thường gặp ở phụ nữ và người lớn tuổi.

1.2. Nguyên nhân suy giáp

Tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến bệnh suy giáp phải kể tới 3 nguyên nhân chủ yếu sau đây là:

– Teo tuyến giáp (Đây cũng là nguyên nhân phổ biến hàng đầu).

Viêm tuyến giáp tự miễn Hashimoto.

– Nguyên nhân thứ phát đến từ sau điều trị cường giáp.

Bên cạnh đó, bệnh suy giáp còn có thể đến từ những nguyên nhân ít gặp hơn là việc cung cấp thiếu iod trong chế độ ăn hằng ngày hoặc đến từ tình trạng suy giáp bẩm sinh hay nguyên nhân thứ phát sau khi bị các bệnh ở tuyến yên hoặc vùng dưới đồi.

1.3. Triệu chứng bệnh suy tuyến giáp

Thông thường, với những người bệnh bị suy tuyến giáp nhẹ sẽ không thể hiện ra các triệu chứng rõ ràng. Suy giáp gặp phổ biến hơn ở người cao tuổi nhất là phụ nữ cao tuổi với các triệu chứng gặp phải sau:

– Ăn không ngon miệng

– Táo bón

– Da tái xanh hoặc khô

– Người dễ bị lạnh, chịu lạnh kém

– Trí nhớ giảm sút, có thể dẫn tới trầm cảm

– Giọng khàn hoặc trầm hơn

– Nhiều khi thở gấp hoặc thay đổi nhịp tim thất thường

– Đau khớp hoặc các cơ

– Rối loạn về kinh nguyệt ở phụ nữ

– Người bệnh có xu hướng giảm ham muốn trong tình dục.

Trong các trường hợp bệnh suy giáp ở mức độ nặng và trầm trọng thì các biểu hiện cũng sẽ nặng nề hơn như lưỡi sẽ phình to ra (chứng lưỡi lớn); phù nề toàn thân; vùng da ở mặt, tay chân dần sậm màu và xù xì do các lớp sừng phát triển dày hơn.

Triệu chứng bệnh suy giáp

Đau cơ khớp cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo suy giáp.

2. Bệnh suy tuyến giáp có nguy hiểm không?

Bệnh suy tuyến giáp nếu không được chữa trị đúng cách, kịp thời, bệnh tiến triển nặng sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như:

– Bướu cổ: Tuyến giáp tăng kích thước gây ra bệnh bướu cổ. Bệnh này tuy lành tính, nhưng có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người bệnh khi kích thước bướu cổ tăng, ngoài ra bệnh còn ảnh hưởng đến khả năng nuốt thức ăn hoặc khiến người bệnh hô hấp gặp nhiều khó khăn.

– Người bệnh suy tuyến giáp trong thời kì mang thai có tăng nguy cơ sảy thai và một số biến chứng nghiêm trọng khác như tiền sản giật hoặc sinh non.

– Bệnh tim mạch: Suy giáp cũng có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh lí về tim mạch do hàm lượng lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) – vốn là các cholesterol “xấu” – sẽ tăng cao.

– Suy giáp kéo dài có thể làm tổn thương hệ thần kinh ngoại biên gây ra các triệu chứng như: đau, tê và ngứa ran ở vùng bị ảnh hưởng bởi các tổn thương thần kinh.

– Nồng độ hormone tuyến giáp có thể cản trở sự rụng trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Bên cạnh đó, nguyên nhân của suy giáp như rối loạn tự miễn dịch cũng làm suy yếu khả năng sinh sản.

– Nếu người mẹ mắc bệnh suy giáp mà không có cách điều trị hợp lí, em bé sinh ra có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hơn những đứa trẻ khác và thường mắc các bệnh về trí não và phát triển.

Bệnh suy giáp có nguy hiểm không?

Bệnh suy giáp gây ra những ảnh hưởng nhất định nên cần chủ động thăm khám và điều trị từ sớm.

3. Các phương pháp thực hiện trong chẩn đoán suy tuyến giáp

Người bệnh khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ về suy giáp kể trên hoặc mong muốn kiểm tra sức khỏe tuyến giáp định kỳ hãy thực hiện thăm khám với bác sĩ chuyên khoa. Sau bước khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng như sau:

– Các xét nghiệm đặc hiệu có liên quan đến tuyến giáp: TSH tăng hoặc vẫn bình thường, FT3, FT4 giảm.

– Các xét nghiệm không đặc hiệu gồm có: Công thức máu có hồng cầu ở trạng thái bình thường hoặc to, thiếu máu, các xét nghiệm rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol, tăng triglycerid), xét nghiệm rối loạn điện giải (hạ natri máu).

– Siêu âm tuyến giáp: Mặc dù thông qua hình ảnh siêu âm sẽ rất khó phát hiện nhu mô tuyến giáp hoặc thấy tuyến giáp teo nhỏ, song phương pháp này vẫn được thực hiện nhằm đánh giá tổng quan về tình trạng tuyết giáp.

Siêu âm tim: Được thực hiện ở một số trường hợp để quan sát tràn dịch màng tim.

Chụp Xquang thẳng lồng ngực: Thâm nhiễm vùng cơ tim làm bóng tim to.

Điện tâm đồ: Kết quả điện tâm đồ cho biết nhịp chậm xoang, điện thế thấp.

Bệnh suy tuyến giáp gây ra những ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mỗi người hãy chủ động thăm khám tuyến giáp khi cần và thực hiện đúng theo chỉ định điều trị của bác sĩ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital