8 cách giúp bạn tránh xa bệnh cảm lạnh

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Bệnh cảm lạnh có thể nói là căn bệnh “ai cũng sẽ gặp phải” nhất là ở những thời điểm giao mùa, thời tiết lạnh hoặc khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Trong bài viết sau đây sẽ mách bạn về 8 cách phòng tránh cảm lạnh hiệu quả, tìm hiểu ngay.

1. Bệnh cảm lạnh

Cảm lạnh được cho là căn bệnh phổ biến nhất của loài người. Có hơn 200 chủng virus khác nhau có thể gây ra các triệu chứng khó chịu với mức độ nghiêm trọng khác nhau như hắt hơi, đau họng, khản tiếng, chảy nước mũi,… ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Đặc biệt, tốc độ lây nhiễm chéo bệnh cảm lạnh rất cao. Virus từ trong nước mũi, nước bọt của người mang bệnh lây truyền sang người chưa nhiễm bệnh khi những hạt nước nhỏ chứa virus bắn ra từ mũi, miệng người bệnh khi ho, hắt hơi hoặc qua tiếp xúc trực tiếp. Cảm lạnh cũng có thể lây lan khi người khỏe mạnh tiếp xúc với vật dụng có chứa virus gây bệnh, sau đó chạm vào mắt, miệng, mũi.

Bệnh cảm lạnh và biểu hiện

Bị cảm lạnh với những triệu chứng khó chịu điển hình như hắt hơi, đau họng, chảy nước mũi,…

2. Mách bạn cách phòng bệnh cảm lạnh

Mặc dù không có cách nào để ngăn chặn hoàn toàn sự xuất hiện của bệnh cảm lạnh, một số biện pháp sau đây có thể sẽ giúp làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh của bạn và những người xung quanh.

2.1. Rửa tay thường xuyên giúp phòng bệnh cảm lạnh

Đây có lẽ là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa sự lây truyền của bệnh cảm lạnh. Đặc biệt là sau khi tới những nơi công cộng tập trung đông người như trung tâm mua sắm, phòng tập thể dục… luôn nhớ phải rửa tay sạch sẽ. Rửa tay thường xuyên có thể tiêu diệt virus mà bạn vô tình chạm phải khi tiếp xúc với những đồ vật, bề mặt có dính virus gây bệnh của người khác. Nếu không có điều kiện để rửa tay bằng nước và xà phòng, có thể chuyển sang dung dịch rửa tay khô.

Rửa tay đúng cách phòng tránh cảm lạnh

Rửa tay thường xuyên là cách tốt nhất ngăn chặn sự lây lan virus gây cảm lạnh.

2.2. Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng

Mắt, mũi, miệng là những vị trí chứa dịch làm lây lan virus gây bệnh. Đặc biệt, sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc chạm tay tiếp xúc với nhiều vật dụng trong một khu vực công cộng thì nguy cơ lây bệnh sẽ càng cao.2.3. Không hút thuốc

Khói thuốc lá có thể gây kích ứng đường hô hấp và tăng tính nhạy cảm với cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng khác. Ngay cả tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cũng có thể khiến bạn dễ bị cảm lạnh.

2.4. Giữ nhà cửa sạch sẽ là cách phòng bệnh cảm lạnh

Tay nắm cửa, ngăn kéo, bàn phím, công tắc đèn, điện thoại, điều khiển từ xa, bàn và bồn rửa có thể chứa virus trong nhiều giờ sau khi người bị cảm lạnh sử dụng chúng. Vì thế hãy vệ sinh, lau chùi các đồ vật này thường xuyên bằng nước hoặc dung dịch khử trùng.
Nếu bé bị cảm lạnh, bên cạnh việc lau dọn nhà cửa, cha mẹ cũng cần vệ sinh đồ chơi và những vật bé thường xuyên tiếp xúc.
2.5. Duy trì một lối sống lành mạnh

Mặc dù không có bằng chứng trực tiếp cho thấy rằng việc ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên giúp phòng chống bệnh cảm lạnh nhưng một chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng kết hợp với hoạt động thể chất đều đặn sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể sẵn sàng “tấn công” các virus cảm lạnh.

2.6. Kiểm soát stress

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị stress thường có hệ miễn dịch suy yếu và có nhiều nguy cơ bị cảm lạnh hơn so với người bình thường.

3. Bị cảm lạnh khi nào cần đến bệnh viện

Đối với cảm lạnh ở người trưởng thành, bạn cần liên hệ với bác sĩ hoặc đến các bệnh viện nếu sau khi điều trị bằng thuốc tây nhưng vẫn gặp các triệu chứng như:

– Sốt cao từ trên 38,5 độ C trong 5 ngày trở lên.

– Thường xuyên gặp hiện tượng khó thở, thở khò khè.

– Đau họng và đau đầu nhiều, cơn đau kéo dài.

– Bị xoang nghiêm trọng.

Trường hợp cảm lạnh ở trẻ em cần đặc biệt lưu ý. Do bệnh có xu hướng nặng và nguy hiểm hơn khi gặp phải ở đối tượng này. Nếu không được điều trị bệnh kịp thời, có thể dẫn đến viêm phổi hoặc bị viêm phế quản ở trẻ. Vì vậy, hãy đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế ngay khi trẻ có các dấu hiệu triệu chứng sau:

Cảm lạnh ở trẻ em

Trẻ em bị cảm lạnh sẽ có xu hướng nặng và nghiêm trọng hơn so với người trưởng thành.

– Trẻ từ 01 – 04 tháng tuổi bị sốt trên 38 độ C.

– Sốt tăng hoặc sốt kéo dài trên 2 ngày.

– Các triệu chứng ở trẻ không có dấu hiệu được cải thiện hoặc có dấu hiệu nặng thêm.

– Trẻ bị ho, khó thở hoặc thở khò khè.

– Chán ăn, mệt mỏi.

– Đau tai, đau đầu.

– Trẻ có dấu hiệu buồn ngủ bất thường hoặc bị rối loạn ý thức.

Thực hiện tốt các cách phòng tránh bệnh cảm lạnh để hạn chế tốt nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh từ bên ngoài. Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần xây dựng chế độ ăn khoa học, điều chỉnh lối sống khoa học và chủ động thăm khám khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường để chăm sóc sức khỏe thật tốt.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital