1 triệu đô cho chương trình Vì lá phổi khỏe tại Việt Nam

Chương trình “Vì lá phổi khỏe” là sáng kiến đa quốc gia nhằm nâng cao chất lượng quản lý ngoại trú bệnh hen và phổi tắc nghẽn mạn tính tại 9 quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình này.

Chiều ngày 18/10, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện Chương trình Vì lá phổi khỏe tại Việt Nam 2017-2020. Theo Biên bản ghi nhớ hợp tác, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ phối hợp Tập đoàn AstraZeneca, cùng các hội chuyên ngành như: Hội Lao và Bệnh Phổi Việt Nam; Hội Hô Hấp Việt Nam và Hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch lâm sàng thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe tại Việt Nam 2017-2020” với giá trị đầu tư là 1 triệu USD trong ba năm. Mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và phổi tắc nghẽn mạn tính; nâng cao nhận thức của cộng đồng về hai bệnh này.

Bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính cần được kiểm soát và điều trị đầy đủ, kịp thời

Bệnh phổi tắc nghẹn mạn tính cần được kiểm soát và điều trị đầy đủ, kịp thời

Đơn vị tài trợ sẽ hỗ trợ thành lập 150 phòng quản lý ngoại trú hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn. Các đơn vị này sẽ được hỗ trợ năng lực chuyên sâu về khám, chữa và quản lý bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngoại trú. Chương trình sẽ giúp bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được tiếp cận chẩn đoán sớm, điều trị ngay tại địa phương, ngăn ngừa đợt cấp, giảm gánh nặng chi phí nhập viện và tỷ lệ tử vong…

Hai bên sẽ phối hợp cùng các đối tác tổ chức các buổi đào tạo y khoa liên tục, hội nghị chuyên khoa và cung cấp các tài liệu cập nhật các thông tin y khoa, góp phần nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị và quản lý cho cán bộ y tếtuyến tỉnh thành phố, quận, huyện) trên cả nước nhằm quản lý tốt bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là hai căn bệnh mạn tính về đường hô hấp gây ra những gánh nặng lớn về y tế, kinh tế, và xã hội trên toàn cầu, với tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong không có dấu hiệu suy giảm mặc cho những phát triển không ngừng về điều trị. Theo dự đoán của Tổ chức Y tế thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ trở thành nguyên nhân tử vong thứ ba trên toàn thế giới, vượt cả tỷ lệ tử vong gây ra do HIV/AIDS và ung thư phổi vào năm 2020.

Tại Việt Nam, ước tính có trên 4,2% dân số bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhưng phần lớn chưa được chẩn đoán do thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhận thức kém từ phía người dân, giới hạn về khả năng chuyên môn của y tế cộng đồng.

Về bệnh hen, một nghiên cứu về việc áp dụng khuyến cáo quốc tế trong kiểm soát hen tại TP HCM cho thấy trong số bệnh nhân đến khám tại cơ sở điều trị ban đầu, chỉ có 39,7% bệnh nhân kiểm soát được hen. Hai căn bệnh gây ra những gánh nặng lớn, với tỷ lệ chẩn đoán và tỷ lệ đạt kiểm soát kém, hiện hai căn bệnh này vẫn chưa được sự quan tâm và chú ý đúng mức như là một bệnh mạn tính cần quản lý ngoại trú lâu dài.

Ước tính, chi phí điều trị của một bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không được điều trị trong giai đoạn ổn định có thể lên đến 225 triệu đồng mỗi năm, gấp 10 lần so với chi phí điều trị trong giai đoạn ổn định khoảng 22 triệu đồng mỗi năm. Quản lý ngoại trú trong giai đoạn ổn định giúp giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân so với việc chỉ quản lý bệnh nhân trong đợt cấp

 Theo suckhoedoisong

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital